UNICEF: Gần 690 triệu trẻ em bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu

Gần 690 triệu trẻ em trên thế giới đang sống ở những khu vực phải hứng chịu nhiều nhất những tác động của biến đổi khí hậu, do đó phải đối mặt với nguy cơ tử vong, nghèo đói và bệnh tật cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: La Repubblica)

Gần 690 triệu trong tổng số 2,3 tỷ trẻ em trên thế giới đang sống ở những khu vực phải hứng chịu nhiều nhất những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, do đó phải đối mặt với nguy cơ tử vong, nghèo đói và bệnh tật cao.

Trong báo cáo công bố ngày 23/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết gần 530 triệu trẻ em trong số trên sống tại các quốc gia thường xuyên xảy lũ lớn và bão, chủ yếu ở châu Á. Trong khi 160 triệu em còn lại phải chung sống với nạn hạn hán nghiêm trọng tại các quốc gia châu Phi.

Theo UNICEF, vùng duyên hải Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe cùng với các đảo trên Thái Bình Dương, vùng Sừng châu Phi và vùng xích đạo ở châu Phi là những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Báo cáo "Trừ khi Chúng ta Hành động Ngay" nhấn mạnh vấn đề đáng quan tâm hiện nay là thực trạng trẻ em sống trong môi trường nguy cơ dịch bệnh cao, đặc biệt là các bệnh sốt rét, viêm phổi, tiêu chảy và suy dinh dưỡng, những dịch bệnh có thể trở nên nguy hiểm hơn dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng.

Bên cạnh đó, những đợt nóng ngày càng thường xuyên đang khiến hiện tượng phát ban, chuột rút, kiệt sức và mất nước ở trẻ em nghiêm trọng hơn.

Ảnh hưởng của hạn hán đối với nông nghiệp lại dẫn tới tình trạng thiếu và suy dinh dưỡng, là những nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng hơn một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới.

Theo UNICEF, trong số 160 triệu trẻ em sống tại các khu vực bị hạn hán nghiêm trọng, gần 50 triệu trẻ sống tại các quốc gia nghèo, nơi phần lớn người dân có mức sống dưới 4 USD/ngày.

Giám đốc UNICEF Anthony Lake nhấn mạnh trẻ em ngày nay không gây tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, chúng và những thế hệ mai sau lại là đối tượng phải hứng chịu hậu quả.

Theo Nicholas Rees, chuyên gia chính sách của UNICEF đồng thời là một trong các tác giả của báo cáo, số trẻ em sẽ phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu đang báo động.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn khi cơ hội sống sót hay phát triển không chia đều cho mọi đứa trẻ. Từ thực tế này, ông nhấn mạnh rằng thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu và các nước cần thực hiện đồng thời thỏa thuận đó.

Báo cáo của UNICEF được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 11/12 tới tại Paris (Pháp).

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng thảo luận, ký kết một thỏa thuận toàn diện, được cho là cách thức duy nhất để cứu Trái Đất.

Mục tiêu của thỏa thuận này là giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt trên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cần đưa ra các cam kết về khoản đóng góp cho quỹ hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục