UNGA 76: Phác họa năm tầm nhìn cho một trật tự quốc tế mới

Những tầm nhìn đó được chia thành 5 loại: người lãnh đạo, tác nhân môi trường xung quanh, người điều hành trơn tru, nhà chiến lược gây rối và nhà cải cách.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 21/9 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, trật tự thể chế toàn cầu sau Chiến tranh Thế giới II đã lỗi thời; nhu cầu cải cách đã xuất hiện từ lâu, không phải mới xuất hiện gần đây nhưng cần có một sự chuyển đổi toàn diện và cấp bách hơn bao giờ hết.

Không khó để nhận thấy lý do. Quyền lực đang được chuyển giao cho nhiều tác nhân mới hơn. Các chủ thể phi nhà nước đã giành nhiều ảnh hưởng hơn. Hợp tác quốc tế đã chuyển từ cách tiếp cận dựa trên các công cụ pháp lý ràng buộc, các quy tắc và hiệp ước rõ ràng sang cách tiếp cận dựa trên các thỏa thuận, nguyên tắc và tuyên bố không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và tự điều chỉnh, không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Để duy trì sự ổn định trong bối cảnh có những thay đổi như vậy, đồng thời duy trì hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng (như không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu), về cơ bản chúng ta phải xem xét lại các cách tiếp cận và cấu trúc hiện có.

[Tổng thống Mỹ kêu gọi hợp tác nhằm giải quyết các mối đe dọa toàn cầu]

Khóa họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 76) khai mạc vào tháng trước đã cung cấp những thông tin hữu ích về tiến độ hiện tại của quá trình này - và trật tự quốc tế.

Ngoài những tuyên bố "đao to búa lớn" và danh sách việc cần làm có thể dự đoán được, UNGA 76 thảo luận các quan điểm, tầm nhìn về “trật tự quốc tế” và tương lai của trật tự đó. Những tầm nhìn đó được chia thành 5 loại: người lãnh đạo, tác nhân môi trường xung quanh, người điều hành trơn tru, nhà chiến lược gây rối và nhà cải cách.

Không ngạc nhiên khi dẫn đầu tiến trình thay đổi là Liên minh châu Âu (EU). Trong chừng mực nó chỉ tồn tại trong luật và theo luật, EU là nhân tố đấu tranh hàng đầu cho trật tự dựa trên quy tắc sau năm 1945. EU cũng tìm cách trở thành một siêu cường dựa trên các giá trị, tuân thủ quy định - một kiểu “trọng tài thế giới” kiêm người chơi.

Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại UNGA; trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của EU trong các sáng kiến toàn cầu dựa trên quy tắc, đồng thời kêu gọi hệ thống Liên hợp quốc “quay trở lại những điều cơ bản,” hàm ý “một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.”

Tuy nhiên, lập trường của EU không phải là không có mâu thuẫn. Đường ống khí đốt Nord Stream 2, đưa nguồn cung cấp của Nga trực tiếp tới Đức, rất khó có thể dung hòa với với những lời ngụy biện của EU, cũng như hiệp ước quốc phòng Pháp-Hy Lạp gần đây.

Mỹ đã dẫn đầu việc tạo ra trật tự quốc tế hiện tại và vẫn là nhân tố quyết định trật tự này trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Mỹ cũng thường không thích phê chuẩn các hiệp định mà họ ký kết quá nhanh.

Hãy nhớ lại Mỹ đã bỏ phiếu chống tư cách thành viên chính thức của Hội quốc liên - tổ chức tiền thân của Liên hợp quốc, mặc dù nó là ý tưởng ban đầu, là “đứa con tinh thần” của cựu Tổng thống Woodrow Wilson.

Hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden rất háo hức thuyết phục thế giới rằng “Nước Mỹ đã trở lại” ở trung tâm của trật tự quốc tế, sau 4 năm theo đuổi cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời ông Donald Trump.

Trong bài phát biểu tại UNGA, Biden tuyên bố: “Để phục vụ lợi ích của chính người dân Mỹ, nước Mỹ cũng phải tương tác sâu sắc với phần còn lại của thế giới. Để đảm bảo tương lai của chính chúng ta, chúng ta phải làm việc cùng với các đối tác khác - đối tác của chúng ta - hướng tới một tương lai chung.”

Tuy nhiên, Mỹ ít nhất vẫn phân cực như đã từng xảy ra, và chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục thúc đẩy chính sách cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc.

Trên thực tế, phần lớn bài phát biểu của ông Biden được ngầm gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông tuyên bố: “Không mắc sai lầm, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình, các đồng minh và lợi ích của Mỹ trước sự tấn công” và “bảo vệ các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ, bao gồm chống lại các mối đe dọa đang và sắp xảy ra.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại phiên họp chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 76 ở New York, ngày 21/9 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Tập Cận Bình có một cách tiếp cận khác. Trong thông điệp phát trên nền tảng trực tuyến gửi tới UNGA, ông Tập Cận Bình - người đã không rời khỏi Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát - đã tách mình khỏi “các bài phát biểu về chính sách ngoại giao chiến lang” gần đây của ông và nói những điều thế giới muốn nghe.

Đề cao tầm nhìn của Trung Quốc như một “nhân tố xây dựng hòa bình thế giới” và “bảo vệ trật tự quốc tế,” ông nói về “đoàn kết,” “hợp tác cùng có lợi” và “chủ nghĩa đa phương thực sự.”

Ông Tập Cận Bình rõ ràng biết cách sử dụng ngôn ngữ của luật pháp quốc tế để có lợi cho mình, mặc dù Chủ quyền Westphalia là nguyên tắc duy nhất mà ông thực sự tuân thủ.

Chủ quyền Westphalia cũng là một nguyên tắc yêu thích của Nga - nguyên tắc nổi bật nhất của các chiến lược gia gây rối. Tuy nhiên, đối với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, chủ quyền về cơ bản không tương thích với khái niệm của “phương Tây” về một “trật tự dựa trên quy tắc, luật lệ.”

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh một sự thật thường bị bỏ qua: Nga không chỉ đơn thuần là một “kẻ bịp bợm.” Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân túy của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một phần trong nỗ lực được xây dựng cẩn thận nhằm làm xói mòn trật tự thế giới tự do.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là các nhà cải cách, với Ấn Độ dẫn đầu. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã mô tả Ấn Độ là “mẹ đẻ của nền dân chủ,” với “truyền thống dân chủ vĩ đại” kéo dài “hàng nghìn năm.”

Việc ông Modi tách nền dân chủ Ấn Độ khỏi di sản của chủ nghĩa thực dân Anh ám chỉ một nỗ lực ngày càng tăng nhằm thổi luồng sinh khí mới vào các thể chế cũ.

Nhiều nhà quan sát đã nhanh chóng coi các liên minh, hiệp ước và cách tiếp cận hợp tác mới là một tín hiệu cho thấy một thế giới phi trật tự mới đang xuất hiện từ tàn dư của trật tự tự do thời hậu chiến. Đối với họ, những tầm nhìn mang tính hủy diệt hoặc không thuyết phục được một số nhà lãnh đạo thế giới tại UNGA đưa ra dường như củng cố quan điểm này.

Nhóm người tiên phong cần thúc đẩy một cuộc đối thoại trung thực, công bằng với nhóm cải cách (và rõ ràng là với Mỹ) để vạch ra một lộ trình không đơn thuần chỉ bám vào những sợi dây bị sờn của trật tự tự do phân mảnh, mà còn hình dung ra những cải cách có ý nghĩa và đáng tin cậy, thích ứng với thế giới ngày nay. EU nên đi đầu trong nỗ lực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục