''Ứng xử'' với thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu cấp thiết vẫn bị ách tắc

Chính phủ yêu cầu các bộ, ban ngành đề xuất phương pháp quản lý thuốc lá thế hệ mới, song giải pháp chủ yếu vẫn đang dừng ở nỗ lực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và chống buôn lậu thuốc lá.
Quang cảnh Tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

Những năm gần đây, các bộ ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện ban ngành để làm cơ sở tham chiếu cho việc ra quyết định về phương hướng kiểm soát thuốc lá thế hệ mới.

Điều này cũng đồng thời nhằm tháo gỡ nút thắt cho khó khăn trong công tác xử lý buôn lậu thuốc lá.

Tháng 10 năm 2020 thông qua công văn 8750, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ ban ngành khẩn trương đề xuất phương pháp quản lý các sản phẩm này.

Tuy nhiên, đến nay giải pháp chủ yếu vẫn đang dừng ở những nỗ lực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và việc chống buôn lậu mặt hàng này.

Chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới: Thiếu chế tài, xử lý không đủ răn đe

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra là 3.422 vụ, số vụ xử lý là 2.662 vụ, tịch thu, xử lý 181.898 đơn vị gồm máy vape, cây hút, điếu hút, chai tinh dầu các loại sử dụng cho thuốc lá thế hệ mới nhập lậu.

Như nhận định của ông Ngô Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam thì “buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận và Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba ASEAN.”

Hiện, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu chỉ có thể xử vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định về “Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.”

Lực lượng chức năng Kiên Giang thu giữ thuốc lá lậu. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định “thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trên thị trường hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, xuất hiện một số điểm bán hàng công khai trên thị trường, cá biệt, có một số điểm bán gần khu vực trường học, nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên.”

Tuy nhiên, do xuất hiện trong thời gian gần đây nên chưa có những quy định cụ thể điều chỉnh tới khái niệm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) tại Việt Nam. Lực lượng Quản lý thị trường thực hiện chức năng nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc lá theo chỉ đạo từ Tổng cục Quản lý Thị trường và tinh thần văn bản số 4023/BYT-PC ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Bộ Y tế về việc đề nghị tăng cường phòng chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Việc chưa có những quy định cụ thể đối với thuốc lá thế hệ mới đã dẫn đến quá trình phát hiện và xử lý các vụ việc buôn lâu thuốc lá thế hệ mới còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ, nhất quán.

Đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường nhấn mạnh: “Do đó, tăng cường các biện pháp quản lý, phòng chống việc kinh doanh, quảng cáo ngày càng tràn lan các sản phẩm này là một trong những nhiệm vụ cấp thiết đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất, kịp thời của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.”

[Nhìn nhận giảm tác hại thuốc lá: Không thể đánh giá dựa trên định kiến]

Cùng quan điểm này, ông Ngô Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, nêu ý kiến: “Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn lậu thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử), tôi nghĩ cần có chính sách mạnh tay hơn đối với hành vi buôn lậu thuốc lá; tăng chế tài xử phạt để tăng mức răn đe.”

Muôn kiểu ứng phó với thuốc lá thế hệ mới trong khi chờ quy định thống nhất

Hiện nay, mỗi bộ ngành đang có các quan điểm quản lý các sản phẩm thuốc lá mới rất khác nhau do đây là các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường và luật chưa có quy định rõ ràng.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết hiện cơ quan này đang tăng cường công tác quản lý thông tin địa bàn.

Cụ thể triển khai các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin, giám sát, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh chào bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được phép lưu hành ở Việt Nam. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động.

Trong khi đó Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá năm 2021-2022, sẽ hợp tác với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để thực hiện.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan chuyên trách có thẩm quyền cao nhất về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và là cơ quan có vai trò tham vấn cho chính phủ về phương án quản lý, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế cho rằng trước khi đề xuất chính sách quản lý sản phẩm này ở Việt Nam cần đánh giá toàn diện tác động sức khỏe, kinh tế-xã hội trên cơ sở đó mới đề xuất chính sách và các biện pháp quản lý. Bất cứ sản phẩm mới nào có tác động đến sức khỏe, xã hội trước khi quyết định việc có cho phép kinh doanh hay không phải được nghiên cứu, cân nhắc ngay từ đầu một cách kỹ càng, trên quan điểm khoa học, thận trọng, đặt lợi ích sức khỏe chung của người dân lên trên hết.”

Bà Trang cũng cho biết đối với thuốc lá nung nóng, cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích sản phẩm này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hay không trước khi có đề xuất cơ chế áp dụng Luật.

Thực tế cho thấy sự xuất hiện của những sản phẩm mới theo trào lưu là khó tránh khỏi trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập về mọi mặt.

Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để sớm đưa ra được phương thức quản lý thống nhất, tránh những hệ lụy trước mắt và lâu dài tới sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống, sức khỏe người dân, nhất là giới trẻ./.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 106/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017, “sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi. 

Từ năm 2017, Chính phủ đã “giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ.”

Theo website của Chính phủ công bố trong công văn 8750 phát hành vào tháng 10/2020, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại văn bản số 4861/VPCP-CN; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục