Ứng phó phòng vệ thương mại: Chủ động thông tin để giảm thiểu thiệt hại

Đại diện Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp phải nắm và tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp các tài liệu kiểm chứng.

Sản xuất tấm tế bào quang điện tại nhà máy Trina Solar. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Sản xuất tấm tế bào quang điện tại nhà máy Trina Solar. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có năng lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng xanh trên toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với các cơ hội sản xuất và xuất khẩu, đây cũng là điều kiện gia tăng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ thương mại với ngành hàng này.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/12, tại Hà Nội.

Số vụ việc liên tục gia tăng

Theo bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), năm 2024 tiếp tục chứng kiến xuất khẩu của Việt Nam trên đà tăng trưởng do đó các mặt hàng của Việt Nam cũng phải đối mặt với xu hướng bảo hộ của các nước nhiều hơn trong đó xu hướng áp dụng phòng vệ thương mại. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện có 25 thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tổng số 273 vụ việc. Chỉ tính riêng năm 2024 là 29 vụ việc, đây là con số cao thứ 2 trong lịch sử và chỉ thấp hơn năm 2020 là 39 vụ việc.

“Nếu như trước đây chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay các mặt hàng công nghiệp có tính cạnh tranh mạnh trên thế giới, cạnh tranh mạnh với các nước thì mới có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại thì trong năm 2024 đã chứng kiến xu hướng khác, kể cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp, nhỏ như ngành đĩa giấy chỉ có 9 triệu USD cũng bị điều tra phòng vệ thương mại. Điều này khiến các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa,” bà Nguyễn Yến Ngọc nói.

Theo thống kê của Cục phòng vệ thương mại, mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Việt Nam đã bị 3 nước tiến hành điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cụ thể, Ấn Độ điều tra về biện pháp chống bán phá giá năm 2021 tuy nhiên sau đó bên nguyên đơn đã rút đơn và chấm dứt vụ việc đó. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với biện pháp chống bán phá giá vào năm 2023 và kết quả là tất cả doanh nghiệp hợp tác trong vụ việc đều được mức thuế 0%.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ là nước đã tiến hành điều tra 3 biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ sau đó tiến hành điều tra mở rộng của các biện pháp trên là điều tra chống lẩn tránh về chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 14 doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất pin năng lượng mặt trời, với số vốn giải ngân khoảng hơn 2 tỷ USD. Riêng năm 2023, ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời đóng góp hơn 7 tỷ USD cho tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến năm 2024 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 4-5 tỷ USD.

toan-canh-3.jpg
Các khách mời tại Tọa đàm về Phòng vệ thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, từ năm 2021 đến nay, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại tỉnh Bắc Giang đã có sự sụt giảm rõ rệt, có doanh nghiệp giảm đến trên 50% sản lượng.

“Nhận thức về phòng vệ thương mại của một số doanh nghiệp còn chưa cao, trong khi công ty tại Bắc Giang chỉ sản xuất, mọi quyết định phải báo cáo về công ty mẹ ở nước ngoài, vì vậy, mỗi lần trao đổi hết sức khó khăn,” ông Phạm Công Toản nêu thực tế.

Tránh phụ thuộc vào lợi thế cạnh tranh về giá

Thống kê đến thời điểm hiện nay, Hoa Kỳ áp dụng cũng như khởi xướng điều tra 70 vụ việc, riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành triển khai 10 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng bị điều tra cũng rất là đa dạng, từ các mặt hàng nông nghiệp cho đến các mặt hàng công nghiệp.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Hoa Kỳ thông tin nguyên nhân là do thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ rất lớn, do vậy ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đối với doanh nghiệp cũng như ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ. Tiếp đến là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng dần chiếm lĩnh được thị trường, với giá cả cạnh tranh đã gây áp lực đối với ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ khiến cho chuỗi cung ứng bị thay đổi, cộng thêm chính sách bảo hộ ngày càng tăng, khiến cho các vụ việc phòng vệ thương mại nói chung, cũng như các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với Việt Nam là một trong ba quốc gia có tạm giữ thương mại lớn nhất đối với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua.

dien-mat-troi.jpg
Lắp đặt điện mặt trời. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong khi đó, pin năng lượng mặt trời là mặt hàng xuất khẩu khá hiếm ở Việt Nam có liên quan đến tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng.

Đáng chú ý, sự cạnh tranh tấm pin năng lượng mặt trời trên thị trường Hoa Kỳ rất gay gắt. Vì vậy, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, để hạn chế những rủi ro trong tương lai, doanh nghiệp phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cả cơ quan quản lý trong nước của Việt Nam cũng như các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trong quá trình diễn ra các vụ việc về phòng vệ thương mại.

Đại diện Thương vụ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp phải chủ động xử lý, nắm và tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ để hình dung ra được quy trình, các mốc thời gian nộp các tài liệu kiểm chứng cũng như các tài liệu theo yêu cầu của vụ việc. Đặc biệt là liên tục nghiên cứu cải thiện sản phẩm, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như tỷ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào các lợi thế cạnh tranh về giá sản phẩm.

“Doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tránh nhập khẩu từ những nước bị Hoa Kỳ coi là đối tượng xem xét và tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Hoa Kỳ, đây cũng là một trong những biện pháp có thể cân bằng thương mại với Hoa Kỳ,” ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Bổ sung thêm nội dung này, ông Vũ Thanh Hải, chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất doanh nghiệp phải đổi mới mô hình quản lý, tăng cường kiểm soát chất lượng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu ra ngoài.

“Ngoài thị trường chính như thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường để xuất khẩu, tránh bị phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định,” ông Hải nói.

Trước “sức ép” của xu hướng phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng với mức độ và quy mô vụ việc phức tạp hơn, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động, chương trình nhằm trang bị thêm kiến thức cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng như các địa phương.

Theo bà Nguyễn Yến Ngọc, Cục Phòng vệ thương mại đã cập nhật danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đồng thời đề nghị doanh nghiệp lưu ý và theo dõi chặt chẽ những động thái ở thị trường xuất khẩu, từ đó sớm có biện pháp phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục