Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra; hạn chế thấp nhất thiệt hại người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tình hình mưa lũ.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng với thiên tai, trong đó thực hiện nghiêm Công điện của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động hỗ trợ nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn kiểm tra, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ...
[Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, gió giật cấp 10]
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển, tổ chức cấm biển từ 16 giờ ngày 17/10/2023 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; không để chủ quan gây thiệt hại về người, tàu thuyền do áp thấp nhiệt đới, bão gần bờ.
Các ngành, địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, cửa sông, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Các ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra; đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Các đơn vị liên quan thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình biết thông tin về tình hình áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, thang máy./.