Ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển: Chờ luồng gió mạnh

Các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cần có các biện pháp tăng cường tiềm lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, lựa chọn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu tiến bộ mới cho doanh nghiệp.
Thu hoạch tôm trong khu nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Úc tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Hoạt động đổi mới, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ, cải tiến kỹ thuật hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn trong năm vừa qua đối với hệ thống các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại các tỉnh, thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra.

Loay hoay tìm hướng... để ứng dụng

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ tại các vùng, địa phương là một trong những định hướng, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoạt động đổi mới, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ càng cần đẩy mạnh để hỗ trợ cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn, các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có các biện pháp tăng cường tiềm lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, lựa chọn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu tiến bộ mới cho doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội ở địa phương.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thúc đẩy hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ tại địa phương “trông chờ” vào các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại các tỉnh, thành phố, vì vậy, các Trung tâm phải trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân để đưa các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các cơ quan quản lý phải nắm bắt được tình hình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và nhu cầu của địa phương để qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và xây dựng các chương trình, nhiệm vụ hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các Trung tâm.

Nói về nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra, ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng cho rằng các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của các địa phương chưa thực hiện được vai trò kết nối giữa những nhà nghiên cứu với khối sản sản xuất kinh doanh và người dân. Phần lớn các Trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhiều Trung tâm vẫn là nhà cấp bốn hay thậm chí phải thuê chỗ làm việc, không có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu… Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu, thiếu chuyên môn về công nghệ-chuyển giao công nghệ.

Theo đại diện nhiều trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hoạt động của các trung tâm tương đối giống như hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi phải lo đầu vào, lo hoạt động nội tại bên trong và đầu ra cho sản phẩm. Trong khi, mô hình trung tâm khác doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trung tâm được xác định là mô hình hoạt động công ích, nhằm hỗ trợ, kết nối nhà khoa học-doanh nghiệp-người dân phục vụ sự nghiệp quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nên vấn đề tự trang trải kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Cần liên kết theo quy mô vùng

Hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua đã có nhiều điểm mới với rất nhiều chính sách về khoa học và công nghệ đã và đang dần đi vào cuộc sống, thông qua một loạt hệ thống văn bản hướng dẫn sau khi Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm theo hướng phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương là một trong những ưu tiên của hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở. Đây là một phần trong đề án "Nâng cao năng lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến năm 2020."

Ngoài ra, ba trụ cột về cơ chế chính sách khoa học và công nghệ gồm cơ chế đổi mới phương thức đầu tư; đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới cơ chế chính sách đối với cán bộ khoa học cùng với một số văn bản pháp lý có liên quan trực tiếp đến các trung tâm như Quyết định 1747/QĐ-TTg; Thông tư 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV… kỳ vọng sẽ tạo “luồng gió mới” thúc đẩy, nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm ứng dụng nói riêng cũng như khoa học và công nghệ nói chung.

Tại hội nghị về hoạt động các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ lần thứ 8 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng cần có định hướng phát triển cho các trung tâm theo tính chất quy mô vùng, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp về khả năng liên kết với viện, trường, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm và thị trường khoa học và công nghệ.

Cũng tại hội nghị quy mô toàn quốc, đại diện các trung tâm trên các vùng miền đã trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực, thực hiện chức năng của trung tâm trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ giữa các địa bàn, giới thiệu các công nghệ mới có tiềm năng ứng dụng phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu về công nghệ của trung tâm, doanh nghiệp tại địa phương, vùng và khu vực.

Đặc biệt, các đại biểu đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại để giúp các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hoàn thiện, đổi mới, sáng tạo những hướng đi hiệu quả hơn; đồng thời để các cơ quan quản lý nắm bắt được tình hình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và nhu cầu của địa phương để qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và xây dựng các chương trình, nhiệm vụ hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho từng trung tâm theo đặc thù vùng, miền.

Để việc liên kết, hỗ trợ, phát triển hình thành quy mô vùng, cần sự kết nối, liên kết, hợp tác giữa các viện, trường và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp về hoạt động ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ cũng như nâng cao năng lực khi tham gia các chương trình khoa học và công nghệ; xây dựng các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng trong giai đoạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục