Ứng dụng khí gas trong giao thông vận tải tại VN

Việc thí nghiệm ứng dụng khí gas (CNG) lĩnh vực giao thông vận tải ở Việt Nam đã được tiến hành 2 năm qua trong hệ thống xe buýt ở TP.HCM.
Hai loại khí gas hiện đang được sử dụng làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông vận tải tại Việt Nam hiện nay là LPG và CNG. Công nghệ CNG lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam bằng sự ra đời của Nhà máy khí thiên nhiên CNG bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 8/2008 với công suất thiết kế là 30 triệu m3/ năm. Theo dự báo, nhu cầu CNG sẽ tăng trưởng mạnh hàng năm nên sẽ dẫn tới việc thiếu khí nén CNG. Hiện nay, chúng ta đang vấp phải các vấn đề về vốn và kinh nghiệm cho quy trình sản xuất, xây dựng các nhà máy sản xuất, với các đường ống dẫn khí về tới các thành phố, đường cao tốc hay xa hơn là các khu vực nông thôn, miền núi. Các nhà khoa học đã khẳng định sử dụng khí nén thiên nhiên CNG thay thế cho xăng dầu vừa tiết kiệm nhiên liệu (giảm khoảng 30% chi phí nhiên liệu) vừa bảo vệ môi trường. Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với loại khí nén thiên nhiên này. CNG đã được Việt Nam đưa vào thử nghiệm gần hai năm qua. Giữa năm 2010, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xe khách Sài Gòn và Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư đưa hai xe buýt chạy bằng khí CNG vào hoạt động thí điểm trên tuyến số 53 (Lê Hồng Phong - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và tuyến số 10 (Bến xe miền Tây - Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).  

Xe buýt sử dụng CNG chạy tại Thành phố Hồ Chí Minh.  
Qua thời gian thử nghiệm mang lại kết quả khả quan, gần đây, ngày 26/8/2011, Sở Giao thông Vận tải và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xe khách Sài Gòn (Saigonbus) đã khai trương chính thức đưa 21 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên CNG vào hoạt động trên tuyến Bến Thành-Bến xe Chợ Lớn, thay thế cho số xe buýt chạy bằng dầu diesel. Đây là giai đoạn 1 của dự án đầu tư 50 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, bằng nguồn vốn vay của ngân sách thành phố với lãi suất 0% và được Chính phủ miễn thuế nhập khẩu. Toàn bộ xe được nhập mới từ Hàn Quốc.  Tuy nhiên so với số phương tiện xe buýt tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là gần 3.000 chiếc, trong đó đa phần đã xuống cấp, thường xuyên xả khói đen khi lưu thông trên đường thì con số xe buýt sử dụng CNG nêu trên là còn quá ít ỏi. Ngoài xe buýt hiện còn có khoảng 400 taxi và 100 ôtô cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đang sử dụng CNG.   

Xe buýt nhiên liệu sạch được chính thức đưa vào hoạt động.
Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Nam (PGS), công ty con của PV Gas vừa khánh thành trạm nạp CNG đầu tiên tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trạm nạp có công suất 1 triệu m3/năm, đảm bảo nạp 50 xe ôtô/giờ, tương đương 800 xe/ngày.

Một trạm CNG ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2 trạm. Hiện nay, PV Gas South đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp CNG bao gồm 2 trạm nén CNG (trạm mẹ) với công suất 70 triệu m³/năm và 50 triệu m3/năm và một số trạm nén tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục