Ứng dụng GIS trong quản lý hệ thống thoát nước và xử lý rác thải

Việc ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước và phương tiện vận chuyển rác ở thành phố Huế giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa hoàn chỉnh và đưa đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước và phương tiện vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố Huế" vào hoạt động.

Đề tài do Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước Một thành viên Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) thực hiện.

Kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc HEPCO, chủ nhiệm đề tài cho biết từ các nguồn dữ liệu, số liệu hiện trạng tại HEPCO, trên nhiều định dạng khác nhau, nhóm nghiên cứu đề tài đã thiết kế và thống nhất vào trong một cơ sở dữ liệu địa lý theo mô hình Geodatabase.

Cơ sở dữ liệu địa lý này vừa phục vụ trong ba phần mềm GIS khác nhau gồm phần mềm GIS quản lý hạ tầng hệ thống thoát nước; phần mềm GIS quản lý hệ thống thu gom rác thải và phần mềm tích hợp công nghệ GIS, GPS & GPRS quản lý phương tiện vận chuyển rác thải, trong phạm vi thành phố Huế. Kết quả được mô phỏng trực quan trên máy tính bằng hình ảnh, giúp bộ máy hạ tầng đô thị xử lý nhanh bài toán quản lý hết sức linh động và chính xác, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và bảo vệ cảnh quan môi trường.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế Trần Ngọc Nam, đề tài còn góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng ngầm dùng chung cho các ban ngành, các dự án trong tỉnh, nhằm quản lý, giám sát tốt việc vận chuyển chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với đơn vị chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu đã có được bộ số hóa dữ liệu hạ tầng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Huế; tích hợp hệ thống GIS dùng chung, từ đó giám sát, quy hoạch phương tiện vận chuyển, quản lý nhiên liệu, quản lý lái xe, tuyến vận chuyển rác thải đô thị.

Ngoài ra, đề tài đã có tác động lớn đối với hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường, đó là quản lý, giám sát phương tiện vận chuyển rác từ đó quản lý được nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Đề tài này có thể mở rộng để áp dụng cho phạm vi toàn tỉnh, nhất là các khu vực đầm phá, khu vực đồi núi, các khu công nghiệp, hải cảng, khu vực nông thôn…

Khi nhân rộng mô hình cho các phương tiện vận chuyển chất thải khác, có thể quản lý chặt chẽ nguồn chất thải, điểm tập kết chất thải một cách chặt chẽ. Đồng thời, tỉnh xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng ngầm dùng chung cho các ban ngành, từ đó giảm chi phí trong việc khảo sát hệ thống công trình ngầm khi thực hiện các dự án hạ tầng trong tỉnh.

Từ đó, các địa phương có thể đồng bộ cơ sở dữ liệu GISHue về hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố Huế tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành liên quan có cơ sở quản lý, lập kế hoạch và hỗ trợ ra quyết định quản lý.

Năm 2015, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu có trên 95% tổng lượng chất thải trong sinh hoạt nội thị các đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; trong đó, có 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 70% tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh tại nông thôn, khu vực đầm phá và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

Trong quy hoạch xử lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế huy động khoảng 1.093 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 509 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 465 tỷ đồng và nguồn đóng góp của nhân dân, các tổ chức hợp pháp khác hơn 118 tỷ đồng, hướng đến việc đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục