Ứng dụng công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP

Năm 2022, tỉnh Long An đã có thêm 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 52 sản phẩm; trong đó, có 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ứng dụng công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP ảnh 1Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa). (Ảnh: Đức Hạnh/Vietnam+)

Năm 2022, tỉnh Long An đã có thêm 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 52 sản phẩm; trong đó, có 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Làm sao để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, đó là một trong những trăn trở của nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trong chương trình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP tại Long An.

Ứng dụng công nghệ

Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) sản xuất các loại rau củ quả an toàn, hiện có tổng cộng 37 sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, có nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc (mã QR code, nhật ký sản xuất). Hiện hợp tác xã đang có 20 hợp đồng cố định, trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường ít nhất 5 tấn rau củ quả các loại, sản lượng 1.300 tấn/ năm, đạt doanh thu 13 tỷ đồng. Sản phẩm của hợp tác xã được chào bán trên 6 sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sen đỏ, Vỏ sò… Thị trường chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, một số tỉnh miền Bắc.

Anh Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh cho biết, vì lượng rau sản xuất chưa được nhiều, nên chỉ dừng lại một ít thị trường. Hiện hợp tác xã có thể thu mua các loại rau an toàn của nông dân và các chủ thể muốn bán hàng… Trong khi bán hàng là khâu khó khăn nhất trong chuỗi xây dựng sản phẩm OCOP, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh đã có được thuận lợi là sớm ứng dụng các giải pháp công nghệ từ năm 2020.

Hợp tác xã đã được Sở Công thương hỗ trợ tập huấn, 100% rau củ quả của hợp tác xã sản xuất theo công nghệ ứng dụng công nghệ cao có nhà lưới, tưới tự động. Trong quản lý có phần mềm nhật ký sản xuất, phần mềm kế toán, bán hàng online, có website riêng. Không chỉ có những hợp đồng lớn, cố định, hợp tác xã còn phát triển mạnh bán hàng trên sàn điện tử, bán lẻ online.

“Do hợp tác xã chú trọng ứng dụng công nghệ từ sớm nên khách hàng dần biết đến mình nhiều, nắm rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng. Hợp tác xã đang hướng tới phát triển hội viên, thu mua sản phẩm rau củ quả an toàn của bà con để phát triển thị trường” – anh Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai (huyện Cần Đước) có 37 thành viên canh tác trên 12,5 ha rau, củ, quả các loại và liên kết với những hộ sản xuất xung quanh bằng hình thức: hỗ trợ đầu tư tiền giống, bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nói đến tiêu chuẩn OCOP Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai nổi tiếng với sản phẩm Cải Xanh Long Khê đạt 4 sao, đây là sản phẩm nổi bật của miền đất Long Khê, huyện Cần Đước.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai Lê Văn Giấy cho biết, Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP ra đời giúp hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến, đồng thời tạo được nhiều việc làm cho người dân trong khu vực. Không những thế, với tiêu chuẩn OCOP đã nâng tầm chất lượng sản phẩm của hợp tác xã lên rất nhiều lần. Nhờ đó, đơn hàng tăng lên 30% so với trước, hợp tác xã cũng đã có trên 45 mặt hàng rau củ quả bán trên các sàn điện tử.

Trước đây những mặt hàng nông sản của nông dân làm ra thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia chuỗi giá trị hàng hóa OCOP, nông dân được hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật và ký được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên lợi nhuận cao.

Việc gắn kết với nhau trong hợp tác xã giúp người nông dân làm chủ được cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hợp tác xã trở thành điểm tựa để người nông dân yên tâm sản xuất.

Ứng dụng công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP ảnh 2Sản phẩm OCOP Rượu Chanh Khắp Phượng của huyện Thạnh Hóa. (Ảnh: Đức Hạnh/Vietnam+)

Thời gian tới, Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai sẽ mở rộng quy mô, hợp tác với các công ty phân bón để đảm bảo cung cấp nguồn phân bón rẻ và chất lượng cho nông dân xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nghiên cứu để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mặc dù đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhưng hiện lượng hàng bán trên sàn điện tử còn hạn chế. Chủ yếu thị trường của hợp tác xã vẫn là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hoặc bán sỉ cho khoảng 10 điểm tại Tp. Hồ Chí Minh phục vụ bán hàng online. Nguyên nhân hạn chế do khu vực này người dân chưa tiếp cận với mua hàng online, hơn nữa có khoảng 70% hộ dân tự trồng rau ăn.

Đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng

Huyện Thạnh Hóa đến nay có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao: Rượu Chanh Khắp Phượng, Mật ong Quang Vinh (có 2 sản phẩm), Trứng gà ác, Kẹo khóm Kim Thoa và Mắm bà Năm Nô. Là huyện thuần nông, những năm qua chương trình OCOP thực sự thiết thực với người dân địa phương, góp phần đưa sản phẩm thế mạnh đến thị trường trong và ngoài tỉnh. Tỉnh và huyện cũng đã có nhiều quan tâm hỗ trợ để sản phẩm từng bước hoàn thiện về kiểu dáng và chất lượng.

[Cà Mau dành trên 1.200 tỷ đồng dự trữ hàng Tết, ổn định thị trường]

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa Nguyễn Kinh Kha cho biết, khó khăn hiện nay là người dân, doanh nghiệp chưa quan tâm, tha thiết với việc xây dựng sản phẩm OCOP, đa số còn mơ hồ chưa nắm rõ tiêu chí xây dựng sản phẩm khiến tiềm năng thì nhiều, nhưng sản phẩm OCOP trên địa bàn chưa đa dạng. Mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ có thêm 4 sản phẩm OCOP.

Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nông dân và các chủ thể bằng nhiều hình thức, tổ chức quảng bá, tuyên truyền, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, bao bì, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm. Đặc biệt là phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP qua các sàn điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm…

Ứng dụng công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP ảnh 3Người dân Tham quan và mua sắm tại hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 cho rằng, số lượng sản phẩm OCOP Long An còn khá khiêm tốn so với các tỉnh, thành khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có nhiều khó khăn phát triển sản phẩm OCOP liên quan đến các chủ thể là nông dân, hợp tác xã…

Để có 1 sản phẩm OCOP bao gồm 6 bước rõ ràng: tuyên truyền vận động, hỗ trợ lập hồ sơ, chấm thi… cuối cùng quan trọng nhất là hỗ trợ xúc tiến thương mại. Là chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, do đó cùng chung 1 vùng miền chắc chắn Long An sẽ có những sản phẩm tương đồng với các địa phương lân cận, do đó làm sao để bán được hàng ở Tây Nguyên, Tây Bắc… mới tạo ra sự khác biệt.

Theo đó, chuyên gia Nguyễn Hoàng Minh Tâm đề xuất giải pháp cho Long An thời gian tới là ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và bán sản phẩm, phát triển phần mềm truy xuất nguồn gốc. Phải làm mã QR code riêng cho từng sản phẩm. Bên cạnh đó sản xuất cái gì phải gắn với thị trường; phải tập hợp, phát huy thế mạnh của thương lái vì đây là lực lượng nắm rất rõ thị trường, là cánh tay dài của doanh nghiệp tới nông dân, do đó có chính sách hỗ trợ họ để phục vụ cho tiêu thụ nông sản.

Năm 2022, toàn tỉnh Long An đã có thêm 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 52 sản phẩm; trong đó 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 26 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tỉnh xây dựng được 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gồm: tại trạm dừng chân Đồng Tháp Mười - xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa; tại Khu du lịch sinh thái Chavigarden - xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức; tại Phường 1, thành phố Tân An. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống.

Để các sản phẩm OCOP phát triển bền vững, có vị trí chiến lược trên thị trường tiêu thụ, thời gian tới Long An sẽ tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục