Ứng dụng công nghệ, tăng nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC, Cộng đồng các Giám đốc Công nghệ Thông tin Việt Nam (CIO Việt Nam) đã tổ chức Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo - International Innovative Business Forum (IIBF) 2024, với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam."

Xu hướng công nghệ số

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã thảo luận chuyên sâu về những vấn đề kinh doanh thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trên toàn cầu. Đồng thời, các chuyên gia cũng phân tích, đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tăng nội lực để đạt được những đột phá trong kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.

Cụ thể, theo phân tích của ông Shashi Jagadiswaran, Phó Tổng Giám đốc, tư vấn công nghệ Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, muốn làm chủ xu hướng công nghệ đột phá, mở lối phát triển bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp dù hoạt động trong lĩnh vực nào cũng cần xác định khách hàng đang sống trong thế giới kỹ thuật số.

Trên cơ sở này, doanh nghiệp mới có định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh đi vào thế giới của khách hàng, đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng, chinh phục niềm tin và chiếm lĩnh thị phần trong ví tiền mua sắm, tiêu dùng của họ.

Ông Shashi Jagadiswaran cũng chia sẻ trong kỷ nguyên công nghệ đổi mới bùng nổ và không ngừng phát triển, việc đơn vị sản xuất kinh doanh lựa chọn công nghệ nào để trực tiếp tiếp cận đến người tiêu dùng cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Hiện nay, người bán hàng trên thị trường toàn cầu đã có thể “chạm” đến khách hàng không chỉ một hay vài ngày, mà chỉ trong một hay vài giờ thì đơn hàng đã được giao đến khách hàng.

Những sáng tạo đột phá đang là những nét phác họa định hình toàn cảnh kinh doanh thời đại mới, điển hình là trên thị trường bán lẻ và tiêu dùng. Mặc dù vậy, nếu đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ mải mê theo đuổi xu hướng mà không cẩn trọng thì có thể sẽ bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến hiệu quả đầu tư (ROI) không như kỳ vọng và đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ lạc hậu so với đối thủ cạnh tranh.

Trong thế giới công nghệ, những công nghệ mới sáng tạo phát triển nhanh cũng bị loại bỏ, đào thải nhanh khi không phù hợp với thời đại. Do đó, việc lựa chọn chính xác những công nghệ phù hợp rất quan trọng và sẽ là chìa khóa quyết định thành công trong tương lai.

Đồng thời, doanh nghiệp phải xác định rõ ràng những chỉ số hiệu suất chính (KPI) và hiệu quả đầu tư (ROI) từ việc đầu tư vào công nghệ.

Điển hình, doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố trong lựa chọn ứng dụng công nghệ như xác định đâu là điều cơ bản cần chú trọng đối với công ty. Trong số đó, có thể kể đến yếu tố tăng doanh thu, thị phần; giảm chi phí, lãng phí; cải thiện an toàn thông tin, phát triển bền vững, đổi mới linh hoạt…

Chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Việt Nam có dân số trẻ, thành thạo công nghệ, cùng lượng người dùng internet đạt khoảng 72,1 triệu người dùng và xếp vị trí thứ 13 trên toàn cầu. Chính sách chuyển đổi số hóa của Chính phủ đặt ra mục tiêu đóng góp 30% vào GDP và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Những xu hướng công nghệ vĩ mô đang định hình tương lai của ngành công nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp thu công nghệ tiên tiến để thúc đẩy chuyển đổi kinh doanh, giành lợi thế cạnh tranh và tăng cường sức mạnh. Trên cơ sở này, doanh nghiệp tạo ra giá trị, mà trong đó yếu tố bền vững đóng vai trò quan trọng và được đảm bảo.

Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, chỉ ra rằng nghiên cứu của Deloitte cho thấy có ba xu hướng chính tóm tắt các động lực định hình hành trình ngành hàng tiêu dùng đạt được sự trưởng thành về kỹ thuật số. Việc ứng dụng phân tích dữ liệu vào chiến lược thương mại kỹ thuật số mang đến cơ hội đáp ứng tốt hơn những mong đợi của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhưng để đạt được điều này cần tăng cường các công cụ phân tích thương mại như phân tích tiếp thị kỹ thuật số và định giá linh hoạt.

Thách thức "chuyển đổi kép"

Theo kết quả khảo sát xu hướng công nghệ hàng đầu tại Việt Nam (SME), dẫn đầu là số hóa, tích hợp bán hàng đa kênh để mở rộng thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Tiếp theo, có thể kể đến cơ sở hạ tầng mở rộng linh hoạt cho thương mại điện tử, dịch vụ dữ liệu đám mây hỗ trợ phân tích dữ liệu và tính sẵn sàng của dịch vụ.

Cùng với đó, xu hướng công nghệ tại Việt Nam cũng hướng đến thương mại điện tử xanh khi các nhà bán hàng trực tuyến áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện quy trình vận chuyển, bảo vệ dữ liệu khách hàng…

Không thể phủ nhận Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng đầy ấn tượng so với những nền kinh tế phát triển khác, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số khoảng cách so với những quốc gia phát triển trong khu vực, đặc biệt là ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong bối cảnh loay hoay chuyển đổi số để duy trì thị trường và mở rộng phát triển kinh doanh lại phải tiếp tục chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và toàn cầu. Điều này đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam thách thức "chuyển đổi kép," cần giải pháp lựa chọn công nghệ bền vững.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động ngày càng sâu rộng, năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có đặc tính cạnh tranh hay vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Mặt khác, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây dẫn tới sự gia tăng của những biện pháp tăng cường bảo hộ, sự cạnh tranh quyết liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi của mục tiêu phát triển bền vững là các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho doanh nghiệp. Điều này cũng tạo áp lực lớn, buộc doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp căn cơ, quyết liệt để hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ theo hướng công nghệ xanh và bền vững.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, tiên phong trong hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ thúc đẩy xây dựng, phát triển mạng lưới kết nối, giúp doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác quốc tế; mở rộng mạng lưới kinh doanh và tạo cơ hội phát triển mới; tiếp cận các thành tựu, xu hướng công nghệ mới.

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cần tăng cường hơn nữa việc kết nối chuyển giao công nghệ từ nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt.

Hội phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân chia sẻ giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiệu quả, góp phần lan tỏa làn sóng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục