Ứng dụng công nghệ số thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số kiểm soát khối lượng, tiến độ và chất lượng công trình dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Ứng dụng công nghệ số thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn ảnh 1Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là một trong 12 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ số kiểm soát khối lượng, tiến độ, chất lượng công trình dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Đây là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn đưa ra trong buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án 2, tư vấn giám sát, các nhà thầu và các bên liên quan về kế hoạch triển khai tổng thể dự án ngày 31/1, tại văn phòng hiện trường dự án xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ.

Dự án cao tốc Bắc-Nam Quảng Ngãi-Hoài Nhơn được chia thành 3 gói thầu, với tổng giá trị xây lắp là 14.700 tỷ đồng; trong đó, gói thầu số 01 có giá trị 3.800 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1 vừa qua.

Tại cuộc họp, Ban điều hành dự án cho biết đã triển khai 5 mũi thi công, hơn 110 nhân sự và gần 40 đầu máy móc thiết bị đến hiện trường triển khai công tác chuẩn bị và các mũi thi công với tinh thần bắt tay ngay vào công việc.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết Tập đoàn sẽ ứng dụng công nghệ số kiểm soát khối lượng, tiến độ, chất lượng công trình; lắp đặt camera giám sát dọc tuyến; công bố mô hình quản lý của tập đoàn tại dự án, thông tin các nhân sự phụ trách và các cố vấn là các chuyên gia đầu ngành tham gia hỗ trợ thực hiện dự án; công bố thông tin cho các tổ chức, đoàn thể địa phương tham gia giám sát cộng đồng.

[Cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo có thể về đích trước 3 tháng]

Đồng thời, yêu cầu đối với các nhà thầu trong liên danh và thầu phụ; trong đó, ưu tiên việc đánh giá năng lực các đơn vị, kiểm soát công việc, kiểm soát dòng tiền, ứng dụng công nghệ số trong dự án.

Ngoài ra với kinh nghiệm đã là nhà đầu tư, nhà thầu đã triển khai nhiều dự án trọng điểm trên cả nước, Đèo Cả đã nhận diện các rủi ro về hồ sơ đầu vào, năng lực các bên liên quan, nguồn vật liệu, biện động giá cả và các giải pháp để xử lý. Đặc biệt các vướng mắc về mặt bằng đường tiếp cận, các hạng mục đường găng và vướng mắc về mỏ vật liệu, bãi thải đã báo cáo tại lễ khởi công và Thủ tướng đã có chỉ đạo các bên thúc đẩy nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất định kỳ công bố thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc và trách nhiệm của các bên liên quan để người dân và cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt và đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các bên.

Tại buổi làm việc, ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 thông tin các gói thầu số 02 và 03 đã được ban gửi hồ sơ yêu cầu đến các liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Ban Quản lý dự án 2 đánh giá cao kinh nghiệm của tập đoàn trong việc chủ động lập kế hoạch triển khai, thể hiện vai trò đứng đầu liên danh, quản lý các đơn vị trong liên danh và thầu phụ, có kế hoạch từ việc tổ chức triển khai dự án, thanh quyết toán và thanh thải khi kết thúc dự án.

Với việc tiên phong ứng dụng công nghệ, Ban Quản lý dự án 2 đánh giá rất cao và mong muốn Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ kinh nghiệm để được tiếp cận, học hỏi, ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục