Ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng trên cả nước

Năm 2017, các địa phương trên cả nước sẽ ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng nhằm hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý rừng bền vững.
Ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng trên cả nước ảnh 1Rừng phòng hộ đầu nguồn Đại Ninh, Lâm Đồng, bị tàn phá nghiêm trọng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Tại hội nghị báo cáo và chuyển giao kết quả ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án FORMIS II tổ chức ngày 17/12 tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết năm 2017 sẽ ứng dụng công nghệ GIS theo dõi diễn biến rừng trên cả nước.

Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm là một trong những hoạt động quan trọng của ngành lâm nghiệp. Kết quả kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc hoạch định các chủ trương, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm các địa phương đều phải cập nhật số liệu theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này còn rất nhiều bất cập khi địa bàn và đối tượng kiểm kê, theo dõi quá lớn, vì vậy tình trạng cập nhật chậm, thiếu chính xác là khá phổ biến, khiến nhiều số liệu về rừng và đất lâm nghiệp không có nhiều giá trị.

Để khắc phục tình trạng này, thông qua dự án FORMIS (Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện triển khai và ứng dụng một bộ công cụ mới phục vụ công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp dựa trên công nghệ GIS mã nguồn mở hiện đại.

Dự án do Chính phủ Phần Lan và Chính phủ Việt Nam tài trợ. Sau giai đoạn triển khai thí điểm từ năm 2009 đến năm 2013, hiện nay FORMIS đang triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu hỗ trợ ngành lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tại Việt Nam xây dựng hệ thống nền công nghệ thông tin liên lạc thống nhất, tích hợp các dữ liệu thông tin thường xuyên, nhanh, chính xác nhằm hình thành hệ thống thông tin hỗ trợ công tác quản lý rừng bền vững.

Đắk Lắk là một trong 14 tỉnh đã hoàn thành và công bố tổng điều tra rừng năm 2014.

Thời gian qua, bằng phương pháp và công nghệ tiên tiến, quá trình điều tra kiểm kê rừng của Đắk Lắk đã cho kết quả cụ thể, chính xác, có ý nghĩa trong ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh rừng và đất lâm nghiệp thường xuyên chịu các tác động thay đổi do tình trạng chặt phá, cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, để các số liệu về thực trạng rừng và đất lâm nghiệp luôn được cập nhật sát thực tế, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên triển khai ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do FORMIS chuyển giao.

Với những kết quả chính xác về hiện trạng rừng với các dữ liệu cụ thể về mục đích, độ che phủ, trữ lượng rừng, đến các kết quả chi tiết như phân loại rừng theo chủ quản lý, theo loài cây, theo cấp tuổi rừng..., việc ứng dụng phần mềm đã góp phần rất quan trọng trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại Đắk Lắk.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc xây dựng và ứng dụng phần mềm mới là bước đầu tiên, để dữ liệu được cập nhật thường xuyên, cần ban hành quy trình để áp dụng thống nhất trong cả nước, đồng thời ban hành quy định chặt chẽ về trách nhiệm của chủ rừng trong việc cập nhật minh bạch số liệu thực tế.

"Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tiến hành kiểm kê rừng một cách công phu, nhưng chỉ một thời gian ngắn không được cập nhật thường xuyên, số liệu đã lạc hậu, không sát thực tế và không còn giá trị nếu chúng ta không có quy định, chế tài về việc báo cáo và cập nhật số liệu ở cấp cơ sở," ông Dương nhấn mạnh.

Để công nghệ mới được ứng dụng trên diện rộng, đại diện các địa phương có rừng tham gia tại hội thảo cũng kiến nghị nhiều vấn đề khác như quan tâm hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật và kỹ năng sử dụng phần mềm; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển phần mềm phù hợp với đặc thù từng khu vực; đồng bộ hóa, hiện đại hoá thiết bị phục vụ từ cấp Trung ương đến cấp huyện, xã.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục