Diện tích trồng mía cả nước hiện có trên 300.000ha, năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha và đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến đường.
Mặc dù đã tự chủ được nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và đang hướng tới xuất khẩu nhưng thực tế giá thành sản xuất mía đường trong nước còn khá cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn trên 20%, vì vậy việc thâm canh, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa được coi là những giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất và hiệu quả của cây mía.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang, để đưa giá thành sản xuất mía xuống dưới 600.000 đồng/tấn, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa.
Trong khâu trồng và chăm sóc mía, hiện trong nước đã nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thành công một số loại máy như máy trồng mía một hàng bán cơ giới, máy trồng mía hai hàng kép, máy trồng mía bầu, các loại máy chăm sóc mía chưa ra lóng và đã ra lóng... Đối với khâu thu hoạch, hiện chưa có nhiều loại máy được áp dụng hiệu quả vào sản xuất.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, đến nay, các khâu như làm đất, rạch hàng, trồng, bạt gốc, chăm sóc và thu hoạch mía đã được nhiều nhà máy quan tâm đầu tư đẩy mạnh cơ giới hóa.
Hiện cơ giới hóa khâu làm đất cho mía cả nước đạt khoảng 65-75% diện tích. Có nhiều nơi như Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã áp dụng cơ giới hóa trên khâu làm đất đạt trên 80% diện tích vùng nguyên liệu của công ty.
Một số công ty có vùng nguyên liệu tập trung lớn, địa hình tương đối bằng phẳng như Châu Thành-Tây Ninh; Ia Pa-Gia Lai đã nhập mẫu máy liên hợp thu hoạch chặt khúc.
Đây là dàn máy do Mỹ sản xuất. Loại máy này có vừa thể chặt mía sát gốc, xén ngọn mía, vừa cắt mía thành từng khúc ngắn 20-25 cm chuyển vào băng tải đưa mía vào thùng xe chạy kèm bên cạnh để chuyển về nhà máy.
Trước nhu cầu cao về cơ giới hóa trong khâu thu hoạch mía, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo được máy chặt mía rải hàng. Sử dụng loại máy này có thể giảm được 25-30% công lao động, 10% chi phí so với thu hoạch bằng thủ công.
Ngoài ra, loại máy này còn tận thu được 5-7% khối lượng mía và giảm 200.000-300.000 đồng/ha chi phí bạt gốc do chặt mía sát gốc hơn so với thu hoạch thủ công.
Tại vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn, Thanh Hóa, nơi có 70% diện tích mía là đất đồi nên việc nước tưới cho cây mía phụ thuộc trời mưa. Những diện tích mía được chủ động tưới rất hạn chế, chưa tới 10% tổng diện tích. Chính vì vậy, năng suất mía trong vùng những năm trước chỉ đạt bình quân 45-50 tấn/ha.
Để phát triển ổn định và bền vững vùng nguyên liệu mía đáp ứng công suất chế biến của các nhà máy, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đã đầu tư dự án tưới nước nhỏ giọt cho mía theo công nghệ của Israel.
Với công nghệ này, cây mía được tưới nước, bón phân theo đúng nhu cầu và thời gian sinh trưởng phát triển. Nhờ đó, năng suất mía đã đạt trên 100 tấn/ha, chất lượng từ 10 CCS trở lên. Đặc biệt, mía có thể lưu gốc được 4-5 năm.
Để khuyến khích các đơn vị tham gia dự án, Công ty đã đưa ra nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với người trồng mía như không tính lãi trong 5 năm đầu để xây dựng cơ bản và thiết bị. Ngoài tiền làm đất, vôi bột theo chương trình làm mới lại cây mía, công ty còn hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và mua mía tăng thêm 20.000 đồng/tấn đối với mía đầu vụ…
Mặc dù vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất mía hiện cũng gặp phải những hạn chế nhất định, nhất là việc thích nghi với điều kiện khác biệt của mỗi vùng, miền.
Theo những công ty đã áp dụng loại máy liên hợp thu hoạch chặt khúc mía do Mỹ sản xuất nói trên, máy chỉ có thể thu hoạch ở vùng đất rộng, cứng. Những vùng trũng, đất gồ ghề rất khó đưa máy vào thu hoạch.
Mặt khác, khi sử dụng máy này phải tổ chức phối hợp thật tốt khâu thu hoạch và tiếp nhận mía về nhà máy trong vòng 24 giờ để đảm bảo chất lượng mía.
Vì nếu thu hoạch xong, chậm chuyển về ép sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng mía, tổn thất sau thu hoạch mía vẫn cao.
Hay như đối với loại máy chặt mía rải hàng cũng chỉ sử dụng cho mía trồng theo phương thức rải hàng, có độ dốc không quá 10 độ.
Còn đối với vùng trồng mía trên liếp (luống) như ở Đồng bằng sông Cửu Long thì trong khu vực và trên thế giới lại chưa có loại máy thu hoạch nào phù hợp.
Do đó, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đang thực hiện đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo loại máy thu hoạch phù hợp với vùng nguyên liệu này.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cũng thừa nhận điều kiện để áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel yêu cầu diện tích lớn, tập trung, bằng phẳng, đặc biệt gần nguồn nước, nguồn điện.
Trong khi đó, phần lớn diện tích mía của công ty là đất đồi, có độ dốc lớn nên việc áp dụng, triển khai, mở rộng dự án hết sức khó khăn.
Để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía thuận lợi và hiệu quả, đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, máy, thiết bị cần có sự đầu tư đồng bộ và tổ chức khai thác sử dụng hợp lý.
Trước tiên, cần quy hoạch lại đồng ruộng, khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để có quy mô lớn và xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng và áp dụng quy trình canh tác mía phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa theo hướng đồng bộ các khâu nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Vũ Văn Tám, để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành mía đường phải rà soát lại quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung gắn với các nhà máy chế biến.
Đối với diện tích lúa gần nhà máy đường mà hiệu quả không cao bằng trồng mía có thể chuyển sang trồng mía tập trung; đồng thời chuyển đổi những diện tích mía trên đồi, những nơi trồng mía tận dụng không có khả năng cơ giới hóa vì độ dốc cao sang các loại cây trồng khác thích hợp hơn./.