Ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh

Theo Cục trưởng Công nghệ thông tin, đến nay có 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện.
Ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh ảnh 1Nhân viên y tế làm thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân theo quy trình dự án "Xây dựng mô hình khám chữa bệnh và quản lý bệnh án điện tử.” (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Công nghệ thông tin là bước đột phá của khoa học kỹ thuật, tác động và giúp thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống của con người, trong đó có ngành y tế.

Với việc áp dụng công nghệ thông tin, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc vận hành hệ thống khám chữa bệnh, trong công tác khám chữa bệnh và quản lý bệnh nhân cũng như các hoạt động của cơ sở y tế.

Giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế cho biết theo kết quả thu thập số liệu cho thấy tỷ lệ các bệnh viện có ứng dụng công nghệ thông tin rất cao, đáp ứng các yêu cầu về biểu mẫu bệnh án do Bộ Y tế ban hành.

Các đơn vị cũng sử dụng rộng rãi các danh mục dùng chung và một số tiêu chuẩn về kỹ thuật và dữ liệu.

Hoạt động hỗ trợ cho quản lý và tương tác trong công tác chuyên môn đạt mức cao, trừ những lĩnh vực khác chuyên biệt là còn khó khăn trong việc triển khai như quản lý hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị bệnh viện, ngân hàng máu và dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc kết nối hệ thống thông tin bệnh viện với những ứng dụng cận lâm sàng cũng được chú trọng như với máy chẩn đoán hình ảnh, máy xét nghiệm hóa sinh, huyết học, miễn dịch, dị ứng, máy đọc kháng sinh đồ và các máy thăm dò chức năng (nội soi các loại, điện tim, điện não, lưu huyết não).

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết theo số liệu thống kê, đến nay có 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện.

Các phần mềm này có thể lưu trữ các báo cáo phục vụ công tác giám định và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, các phần mềm này vẫn chưa có khả năng kết nối, liên thông và trao đổi thông tin với nhau.

Nhằm giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống trao đổi bệnh án điện tử, hình thành một số hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương triển khai Telemedicine (y tế từ xa) hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan.

Các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong khám, chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm cả một số bệnh viện ở miền núi như Điện Biên, Hà Giang, Đắk Lắk…. góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các bệnh viện vệ tinh.

Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tại các bệnh viện vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm.

Bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sỹ giỏi đầu ngành từ các bệnh viện hàng đầu tuyến Trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa.

Ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh ảnh 2Các bác sỹ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hỗ trợ chẩn đoán từ xa cho bệnh nhân ở Bệnh viện huyện Củ Chi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Người bệnh và gia đình không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Hệ thống này cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh thông qua các hoạt động tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa, hội thảo và đào tạo kỹ thuật y tế.

Năm 2011, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương được chọn là một trong 6 bệnh viện tham gia bệnh án điện tử. Đây là dự án có quy mô quốc gia và là dự án đầu tiên của Việt Nam về thực hiện bệnh án điện tử, có áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như trao đổi y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, Bệnh viện đã thay đổi quy trình khám chữa bệnh từ 7 bước (phần mềm cũ) xuống 4 bước (phần mềm nâng cấp) để rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bệnh nhân điều trị nội trú không phải thanh toán giữa các đợt khi chuyển khoa và chỉ thanh toán một lần duy nhất khi ra viện kết thúc quá trình điều trị.

Đồng thời, Bệnh viện đã ứng dụng thành công đầu đọc mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế để giảm thời gian tiếp đón bệnh nhân và đảm bảo phản ánh đúng thông tin hành chính của người bệnh trong tổng hợp thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã nâng cấp hệ thống HIS để có thể lưu giữ, thể hiện lịch sử thăm khám, quá trình điều trị của bệnh nhân, hỗ trợ quyết định lâm sàng, xem và quản lý các kết quả cận lâm sàng.

Qua đây, bác sỹ có thể dễ dàng truy cập xem và theo dõi kết quả điều trị của bệnh nhân một cách chính xác, giúp giảm thiếu sót y khoa, giảm bớt các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho cả bác sỹ và bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám và điều trị…

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện

Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết bên cạnh các kết quả đạt được, kết quả thống kê cũng cho thấy tỷ lệ các bệnh viện đáp ứng đòi hỏi bệnh án điện tử có thể thay thế bệnh án giấy còn mở mức thấp, chỉ có 29%.

Hệ thống tư vấn, đào tạo, khám chữa bệnh từ xa mới được triển khai ở 14% các bệnh viện. Ứng dụng chứng thực điện tử (chữ ký điện tử/vân tay/mã số…) chưa được triển khai rộng rãi (mới có 10% số bệnh biện có báo cáo về hoạt động này).

Tiến sỹ Trần Tùng, Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh một trong những thành công thiết thực nhất của ứng dụng công nghệ trong y tế chính là việc thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử vào đầu những năm 1990.

Đây là những hồ sơ sức khỏe được số hóa nhằm nâng cao khả năng liên thông, trao đổi dữ liệu bệnh nhân giữa các bác sỹ điều trị một cách dễ dàng thông qua hạ tầng kỹ thuật (LAN/WAN hoặc Internet).

Tuy nhiên, theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, Việt Nam chưa có hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (HER) quốc gia; đồng thời cũng chưa có hành lang pháp lý cho việc ứng dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hiện nay, việc ứng dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc vẫn chưa có số liệu thống kê.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh trước thực trạng trên, với mục tiêu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện; chú trọng xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế.

Đồng thời, Bộ xây dựng các chuẩn ngành, chuẩn bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, y bạ điện tử (EHR, EMR, PHR) và ứng dụng rộng khắp tại các cở sở y tế trên cả nước.

Trong đó, Bộc đặc biệt chú ý xây dựng Hồ sơ y tế điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám định, thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng hệ thống lưu trữ, xử lý và truyền tải hình ảnh y khoa - PACS, cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, y bạ điện tử quốc gia; đảm bảo dữ liệu, thông tin về tình trạng người bệnh được ghi trong hồ sơ y tế phải tuân theo chuẩn, có thể trao đổi và lưu trữ các thông tin phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Người bệnh và cán bộ y tế khi được cấp phép có thể truy cập vào hồ sơ y tế bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Ngành y tế cũng sẽ triển khai mô hình quản lý bệnh viện tiên tiến ở các bệnh viện nhằm khai thác tối đa nguồn lực y tế hiện có, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp, dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động, duy trì chất lượng dịch vụ đồng đều; hoàn thiện việc liên thông, kết nối phần mềm quản lý bệnh viện với thanh toán bảo hiểm y tế, giám định bảo hiểm y tế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục