Người dân hưởng lợi nhờ ứng dụng công nghệ AI trong hành chính công

Ứng dụng AI trong hành chính công: Sắp được hưởng 'trái ngọt'?

Trong tương lai gần, người dân sẽ được hưởng lợi nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành chính công đang ngày càng phổ biến hiện nay.
Ứng dụng AI trong hành chính công: Sắp được hưởng 'trái ngọt'? ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Tháng 8/2021, khi đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm vòng đeo tay thông minh và phần mềm quản lý cách ly để hỗ trợ kiểm soát, quản lý chặt chẽ F1 tại nhà đồng thời yêu cầu tất cả các chợ quét mã QR Code để quản lý thông tin người ra/vào chợ.

Trước đó bốn tháng, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ "định danh khách hàng điện tử" để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cũng đã được chính thức áp dụng tại quận 1. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo AI với giải pháp công nghệ "định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt" và công nghệ chống giả mạo, giúp tiết giảm được thời gian cũng như đảm bảo tính an toàn cho người dân.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về việc người dân được hưởng lợi nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành chính công đang ngày càng phổ biến hiện nay.

Những địa phương đi đầu trong sử dụng AI

Là một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào hành chính công, Đà Nẵng đã sớm hái được "quả ngọt".

Ngay từ cuối năm 2018, ứng dụng chatbot trong cung cấp dịch vụ công tại thành phố này đã được thí điểm. Dự án được ra đời với mục tiêu giải đáp các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp về thông tin dịch vụ công tại Đà Nẵng; qua đó giảm bớt sự hỗ trợ trực tiếp từ con người, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành đồng thời giúp cho thông tin trở nên minh bạch và dễ tiếp cận hơn đối với tổ chức, người dân.

Thế nhưng thực tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã được Đà Nẵng đưa vào sớm hơn trước đó tận…1 năm.

Ông Nguyễn Minh Đức - Đồng sáng lập kiêm CEO Hekate nhớ lại: Năm 2017, tại Đà Nẵng diễn ra tuần lễ cấp cao APEC. Một vấn đề đặt ra khi đó là APEC có rất nhiều khách quốc tế tham dự, nhưng hầu hết lại sử dụng sim rác khiến cho việc thông báo, quảng bá du lịch hay thu thập dữ liệu của du khách rất khó khăn.

Thời điểm đó, doanh nghiệp này đã kết hợp với Đà Nẵng phát triển một hệ thống AI cho phép có thể nhắn tin tới du khách quốc tế thông qua các nền tảng phổ biến tại chính nước họ. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp thu thập dữ liệu và đề xuất hành vi của các du khách quốc tế.

"Sau sự thành công của ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ sự kiện APEC, thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển các hệ thống sử dụng AI thông qua các hệ thống về Chatbot/Voicebot ứng dụng hỗ trợ người dân trong lĩnh vực hành chính công," CEO của Hekate cho hay.

[Đà Nẵng sử dụng công nghệ để giám sát, hỗ trợ người cách ly tại nhà]

Không dừng lại ở đây, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực hành chính công, trong đó lấy AI làm cốt lõi.

Mới đây nhất, tháng 8/2021, khi đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm vòng đeo tay thông minh và phần mềm quản lý cách ly để hỗ trợ kiểm soát, quản lý chặt chẽ F1 tại nhà.

Ứng dụng AI trong hành chính công: Sắp được hưởng 'trái ngọt'? ảnh 2Một góc thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cách làm quyết liệt, có hệ thống trên đã giúp Đà Nẵng luôn dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng như đánh giá của Hội Tin học Việt Nam về Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-ICdex).

Tương tự Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những "điểm sáng" về ứng dụng AI trong cải cách thủ tục hành chính. Đầu tháng Tư vừa qua, Ủy  ban Nhân dân quận 1 đã ra mắt dịch vụ "định danh khách hàng điện tử" để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo AI với giải pháp công nghệ "định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt" và công nghệ chống giả mạo.

Với dịch vụ này, khi thực hiện thủ tục trực tuyến, người dân chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân gửi vào hệ thống thì hệ thống sẽ tự động quét (scan) dữ liệu, điền vào mẫu.

Bên cạnh đó, thông tin cá nhân cũng chỉ phải kê khai lần đầu và không phải khai lại các lần sau vì dữ liệu đã được lưu vào máy chủ của quận. Người dân cũng có thể sử dụng phần mềm để tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện...

Tại Quảng Ninh, mô hình thành phố thông minh thậm chí còn được triển khai sớm hơn.

Từ năm 2016, đề án đã được bắt đầu. Tới nửa cuối năm 2019, địa phương này đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh.

Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để người điều hành ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp đồng thời tăng tính tương tác khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường… bằng vài thao tác bấm nút cực kỳ đơn giản trên thiết bị di động.

Tính ưu việt của trung tâm còn nằm ở chỗ theo dõi được tất cả các vấn đề thông qua hệ thống camera và cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Khi có sự cố hay cảnh báo, cơ quan quản lý có thể dễ dàng quan sát từng camera được kết nối trên bản đồ số. Các thông tin sẽ được tập hợp, phân tích vào các hoạt động quản lý từ một đầu mối điều hành duy nhất. Vì thế, có thể dự báo về các vấn đề xảy ra, phản ứng trước các tình huống.

AI mang lại những tác động xã hội tích cực

Ông Nguyễn Minh Đức khẳng định việc đưa AI ứng dụng vào lĩnh vực hành chính công sẽ giúp giảm tải về công việc cũng như tăng cường sự tương tác giữa người dân với chính quyền đồng thời mang đến những tác động tích cực đến xã hội.

Người đứng đầu Hekate dẫn chứng: "Chúng tôi đã kết hợp với USAID để đưa AI vào tư vấn, cung cấp thuốc cho cộng đồng LGBT hay sử dụng AI để tiếp cận gần hơn với trẻ tự kỷ trong một dự án khác với UNICEF."

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology, nhấn mạnh các ứng dụng AI triển khai cho các trung tâm điều hành sẽ giúp giải quyết các bài toán trong lộ trình triển khai đô thị thông minh, thành phố thông minh.

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết theo một nghiên cứu, AI có khả năng thúc đẩy gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển dự báo đến 2035. Hiện nay, có đến 83% các cơ quan, tổ chức chính quyền sẵn sàng triển khai các ứng dụng AI vào quy trình xử lý công việc thay con người.

Điển hình như chính phủ Singapore đang sử dụng AI để giải đáp các câu hỏi của người dân và quốc gia này cũng là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng robot lớn nhất thế giới, thứ hai là Nhật Bản. Quốc gia tiếp theo là Anh - đã đưa ứng dụng AI vào quá trình tiếp nhận phản hồi, khiếu nại, tố cáo.

"Ở Việt Nam, AI cũng đã được xác định là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm được Đảng, Nhà nước ưu tiên phát triển trong bối cảnh xu thế chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.  Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển quốc gia về AI vào tháng 1/2021. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia trong năm 2020," ông Dương nhấn mạnh.

Ứng dụng AI trong hành chính công: Sắp được hưởng 'trái ngọt'? ảnh 3Trung tâm  phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel, các ứng dụng về AI trong lĩnh vực hành chính công có thể kể ra là: Dùng chatbot trả lời tự động câu hỏi của người dân; tự động hóa quy trình nghiệp vụ; thông báo tự động cho người dân (cảnh báo hiểm họa, thông tin gia hạn bằng lái xe…); kiểm soát, quản lý  rủi ro, ngăn chặn tham nhũng; quản lý các nguồn lực tài sản, tài nguyên; và phân tích, đưa ra quyết định. Hiện, Viettel cũng đã xây dựng ứng dụng Cyberbot trong hành chính công.

"Sản phẩm này đang được ứng dụng gọi nhắc nhở người dân cài đặt Bluezone; gọi đến bệnh nhân mắc COVID-19 để hỗ trợ điều trị bằng thuốc đặc trị. Tính đến đầu tháng 9/2021, Cyberbot đã thực hiện trên 10 ngàn cuộc gọi và thu thập 5.200 triệu chứng cung cấp cho các y bác sĩ để làm hồ sơ nghiên cứu lâm sàng," ông Dương nói.

Ngoài ra, Cyberbot cũng đang tiếp nhận cuộc gọi giải đáp tự động về thông tin thủ tục hành chính công và thông tin về COVID-19.

"Tính đến quý III/2021, chúng tôi đã số hóa đưa được trên 2 ngàn dịch vụ hành chính công lên hệ thống Viettel Cyberbot. Bên cạnh đó, toàn bộ văn bản khẩn về COVID-19 tại một số tỉnh đều được chuyển đổi thành kịch bản và sẵn sàng cung cấp cho các tỉnh để hỗ trợ phòng chống dịch," đại diện của Viettel cho biết thêm.

Ông Nguyễn Phú Tiến-Phó Cục trưởng Cục tin học hóa (Bộ Thông tin Truyền thông), đánh giá chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định rõ các cơ quan nhà nước cũng phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo. 

Theo Chiến lược quốc gia về Trí tuệ nhân tạo, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. 

Nằm trong khuôn khổ chiến lược quốc gia này, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động Mạng lưới Hợp tác Trí tuệ nhân tạo Việt Nam-Australia để kết nối cá nhân, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hiện đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học máy tính với các cơ quan nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục