Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sáng 24/2, Giáo sư Kazuo Ueda, người được Chính phủ Nhật Bản đề cử làm Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thay cho ông Haruhiko Kuroda, đã có phiên điều trần trước một ủy ban của Hạ viện Nhật Bản.
Phiên điều trần này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) thông báo trong tháng 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản liên tục ở trên mức cao nhất trong 40 năm và là tháng thứ 17 liên tiếp, chỉ số này tăng.
Phát biểu tại cuộc điều trần, ông Ueda khẳng định “việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng là thích hợp” nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% cho dù chính sách này đang mang lại “nhiều tác dụng phụ.” Ông nói: “Tôi tin rằng việc BoJ tiếp tục nới lỏng tiền tệ là thích hợp, trong khi tiếp tục đưa ra các biện pháp ứng phó với tình hình hiện tại.”
Bên cạnh đó, ông Ueda cũng tuyên bố: “Tôi muốn biến 5 năm tới thành khoảng thời gian để BoJ hoàn thành sứ mệnh đạt được sự ổn định về giá cả, vốn là vấn đề lâu dài đối với cả ngân hàng trung ương này và bản thân tôi trong hơn 25 năm kể từ khi Luật Ngân hàng trung ương Nhật Bản mới có hiệu lực.”
Theo ông Ueda, mặc dù Nhật Bản đang phục hồi sau đại dịch nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh nền kinh tế và thị trường tài chính. Tốc độ tăng chỉ số CPI vẫn ở quanh mức 4%, cao hơn so với mục tiêu 2% của BoJ, chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do nhu cầu mạnh.
[Kỳ vọng từ Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật]
Vì vậy, ông Ueda cho rằng “sẽ cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững và ổn định. Trước tình hình kinh tế và giá cả hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai, chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ hiện tại của BoJ là phù hợp.”
Ông Ueda, 71 tuổi, đã từng giữ chức Ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ từ năm 1998 đến năm 2005 - thời điểm Nhật Bản đang phải vật lộn với giảm phát. Trong thời gian đó, BoJ đã đưa ra nhiều chính sách táo bạo như đưa lãi suất về 0% vào năm 1999 và nới lỏng định lượng vào năm 2001.
Bên cạnh đó, ông cũng từng giảng dạy tại Khoa Kinh tế của Đại học Tokyo với chức danh giáo sư. Nếu được bổ nhiệm, ông sẽ là thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật trong thời hậu chiến ở Nhật Bản.
Thống đốc tiếp theo của BoJ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vạch ra lộ trình mới cho ngân hàng trung ương này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đều tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ngoài ông Ueda, trong danh sách đề cử lãnh đạo BoJ gửi Quốc hội hôm 14/2, Chính phủ Nhật Bản cũng đề cử nguyên Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) Ryozo Himino và Giám đốc Điều hành BoJ Shinichi Uchida làm cấp phó của ông Ueda.
Họ sẽ được Chính phủ chính thức bổ nhiệm sau khi được cả hai viện của Quốc hội phê chuẩn. Nếu được phê chuẩn, họ sẽ có nhiệm kỳ 5 năm./.