UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Không bỏ ai ở lại phía sau”

Nhóm đối tượng chính của chương trình là phụ nữ và trẻ em gái, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các nhóm dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực.
UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Không bỏ ai ở lại phía sau” ảnh 1Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, Naomi Kitahara. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Vừa qua, Ban Điều hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã thông qua Chương trình Quốc gia mới cho Việt Nam, giai đoạn 2022-2026, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030."

Cụ thể, Ban Điều hành UNFPA đã thông qua văn kiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với tổng ngân sách là 26,5 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tãn xã Việt Nam đã phỏng vấn bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam về chương trình quốc gia mới cho Việt Nam.

- Xin bà có thể chia sẻ những nét chính cũng như điểm mới của chương trình quốc gia mới cho Việt Nam (giai đoạn 2022-2026)?

Bà Naomi Kitahara: Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam giai đoạn từ 2022 đến 2026 vừa được Ban điều hành của UNFPA phê duyệt đầu tháng 2 năm nay với tổng ngân sách là 26,5 triệu USD.

Tiếp theo những thành công của Chương trình quốc gia trước, trong thời gian 5 năm tới, những can thiệp và sáng kiến của chúng tôi nhằm đạt được ba kết quả chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu, đó là không có ca tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa; không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng; và không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết “Không bỏ ai ở lại phía sau” và các nhóm đối tượng chính của chương trình hỗ trợ của UNFPA là phụ nữ và trẻ em gái, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các nhóm dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

Các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, nhạy cảm giới và lấy con người làm trọng tâm sẽ được áp dụng, và các can thiệp liên quan đến sự sẵn sàng, ứng phó nhân đạo sẽ được lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực can thiệp của Chương trình.

Theo những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, Chương trình của chúng tôi sẽ chú trọng áp dụng chuyển đổi số và cách mạng dữ liệu để tiếp cận những ai bị bỏ lại phía sau nhất.

Đặc biệt hơn, hỗ trợ của UNFPA sẽ ưu tiên cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm các dân tộc thiểu số và lao động di cư; ứng phó với già hóa dân số và thúc đẩy an sinh xã hội cho người cao tuổi; thúc đẩy phát triển và sự tham gia của thanh thiếu niên; sản xuất và phân tích dữ liệu dân số cho công tác xây dựng chính sách và ra quyết định, đồng thời theo dõi giám sát các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs); và phòng chống và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tảo hôn.

- Xin bà có thể đưa ra đánh giá khái quát của mình về việc thực hiện chương trình quốc gia giai đoạn 2017-2021 ở Việt Nam? Đâu là thành tựu nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua?

Bà Naomi Kitahara: Chương trình Quốc gia lần thứ 9 của UNFPA tập trung vào ba lĩnh vực kết quả gồm trẻ vị thành niên và thanh niên vì Việt Nam hiện có số lượng thanh thiếu niên lớn nhất trong lịch sử; bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; và biến động dân số - vấn đề có liên quan trực tiếp đến hoạch định chính sách. Tổng nguồn lực chi cho Chương trình Quốc gia lần thứ 9 đạt gần 21 triệu USD.

Tôi có thể nhấn mạnh 3 thành tựu chính của Chương trình Quốc gia lần thứ 9. Trước tiên đó là sáng tạo. Lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm khám bệnh từ xa dành cho phụ nữ mang thai thông qua ứng dụng “MCH247” trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này đặc biệt giúp phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai ở những vùng núi xa xôi có được những thông tin về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng.

[UNFPA đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về cải thiện sức khỏe sinh sản]

Cùng với đó, để ứng phó với vấn đề già hóa nhanh chóng, ứng dụng điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam - “S-Health,” đã ra đời, đặc biệt hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận các thông tin về sức khỏe, kể cả những thông tin liên quan đến COVID-19.

Đối với thanh niên, nội dung giáo dục giới tính toàn diện lần đầu tiên được cung cấp trực tuyến; và tương tự, lần đầu tiên các dịch vụ trực tuyến và nhắn tin cũng được triển khai hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Trung tâm dịch vụ một cửa được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ tích hợp cho nạn nhân bạo lực. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng như Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 đã đặc biệt thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất để đẩy nhanh quá trình thu thập, phân tích dữ liệu và giảm thiểu sai sót chủ quan.

UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Không bỏ ai ở lại phía sau” ảnh 2Cô đỡ thôn bản tuyên truyền việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Thứ hai, do Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, lần đầu tiên UNFPA cung cấp hỗ trợ nhân đạo dành cho Việt Nam. UNFPA đã nhanh chóng hỗ trợ hoạt động tiếp cận lưu động để bảo vệ cuộc sống của những người phụ nữ đang mang thai trong đợt lũ lụt năm 2020.

UNFPA đảm bảo rằng các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhận thức rõ những nguy cơ về bạo lực trên cơ sở giới thông qua các công nghệ kỹ thuật số và việc cung cấp bộ đồ dùng thiết yếu lần đầu tiên tại Việt Nam.

Cuối cùng, thông qua Chương trình quốc gia lần thứ 9, UNFPA đã tăng cường các quan hệ đối tác và huy động vốn. Chúng tôi củng cố các quan hệ với các đối tác phát triển truyền thống như Australia, Nhật Bản, Na Uy, và Hàn Quốc, cũng như các quan hệ với các đối tác mới như các doanh nghiệp, công ty tư nhân như Vital Strategies, Bloomberg và tập đoàn MSD. Đến cuối Chương trình quốc gia lần thứ 9, ngân sách hàng năm của UNFPA tăng gấp 3 lần.

- Với việc Ban Điều hành phê duyệt chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, UNFPA Việt Nam sẽ có kế hoạch gì để hiện thực hóa các mục tiêu và các cam kết hỗ trợ nêu trong chương trình?

Bà Naomi Kitahara: Chương trình Quốc gia của UNFPA dành cho Việt Nam bao gồm các dự án nhằm tạo thay đổi trong năm lĩnh vực phát triển xã hội.

Lĩnh vực đầu tiên là tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển toàn diện và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên, bao gồm cả trong quá trình xây dựng các chính sách và chương trình quản lý thiên tai.

Chúng tôi tập trung mở rộng cơ chế, diễn đàn đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách với thanh niên, đặc biệt thanh niên dễ bị tổn thưởng như thanh niên các dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật..., và nâng cao năng lực cho thanh niên để họ có thể tham gia một cách hiệu quả vào các đối thoại ở cấp trung ương và địa phương.

UNFPA sẽ hợp tác với các tổ chức do thanh niên lãnh đạo, đặc biệt là các tổ chức do thanh niên dễ bị tổn thương lãnh đạo, trong việc thực hiện và quản lý Luật Thanh niên cũng như trong các kế hoạch ứng phó thảm họa ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Chúng tôi cũng sẽ vận động và thúc đẩy để thanh niên được trao các vị trí ra quyết định.

Trong lĩnh vực già hóa dân số và an sinh xã hội, UNFPA sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống an sinh xã hội tích hợp và bao trùm thông qua áp dụng phương pháp tiếp cận vòng đời và tiến bộ về giới để thích ứng vấn đề già hóa và đáp ứng các nhu cầu cá nhân của các nhóm dễ bị tổn thương.

UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Không bỏ ai ở lại phía sau” ảnh 3Những người cao tuổi được khám sàng lọc, kiểm tra nhịp tim và huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chúng tôi sẽ hỗ trợ Chính phủ xây dựng khung pháp lý và chính sách để bảo vệ quyền của mỗi cá nhân khi về già, trao quyền và tăng cường hòa nhập xã hội trong phát triển và trong các tình huống khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt đảm bảo tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, phòng, chống và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và an ninh tài chính.

Đối với lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và các quyền, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin và các dịch vụ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương ngay cả khi có khủng hoảng nhân đạo.

UNFPA sẽ tập trung vào công tác cung cấp dữ liệu cho chính sách; xây dựng các hướng dẫn và công cụ giúp giải quyết các nhu cầu đặc biệt của các nhóm dân số dễ bị tổn thương; xây dựng cơ chế tài chính đổi mới sáng tạo bao gồm cả ở khu vực tư nhân và tài chính công của địa phương, đặc biệt để giải quyết các vấn đề sức khỏe sinh sản và tình dục mới như tầm soát ung thư cổ tử cung và tiêm phòng vaccine HPV; tiếp tục áp dụng các công nghệ số như hệ thống “y tế từ xa” để tiếp cận người dân ở vùng sâu vùng xa, các dân tộc thiểu số. Củng cố các cơ chế sẵn sàng và ứng phó nhân đạo để đảm bảo bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương; phương pháp tiếp cận đa ngành trong can thiệp về sức khỏe sinh sản và tình dục cho trẻ vị thành niên và thanh niên.

Triển khai trên quy mô toàn quốc giáo dục giới tính và tình dục toàn diện và giáo dục kỹ năng sống, bao gồm cả giáo dục trực tuyến cho thanh niên trong và ngoài nhà trường cũng như thanh niên khuyết tật cũng là một trong những mục tiêu của chúng tôi.

UNFPA hỗ trợ tăng cường công tác xây dựng chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng và đảm bảo quyền, bao gồm cả trong phân bổ ngân sách và giám sát, thông qua sản xuất, phân tích và sử dụng số liệu. Các can thiệp của chúng tôi sẽ thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ mới và các nền tảng truyền thông để đẩy mạnh quá trình tạo lập dữ liệu và hạn chế thấp nhất những sai sót chủ quan.

Chúng tôi sẽ nâng cao năng lực cho các cán bộ thống kê trong công tác thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và các vấn đề về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục để khai thác tiềm năng lợi thế nhân khẩu học.

Chúng tôi cũng sẽ trang bị cho các nhà hoạch định chính sách những kiến thức và kỹ năng sử dụng các nguồn dữ liệu mới. Hỗ trợ của UNFPA sẽ giúp khai thác các nguồn dữ liệu mới (ví dụ: các cuộc điều tra mới, dữ liệu lớn, dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu để hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng trong các hoạt động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu.

Nhằm hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại chấp nhận và củng cố bất bình đẳng giới và bạo lực, đặc biệt trong nhóm thanh niên, các ưu tiên trong chương trình hỗ trợ của UNFPA bao gồm vận động dựa trên bằng chứng và tư vấn kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các luật/chính sách liên quan khác có tham khảo những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất; các sáng kiến huy động cộng đồng dựa trên bằng chứng và áp dụng công nghệ thông tin, đặc biệt hướng tới thanh niên và vị thành niên.

Chúng tôi thúc đẩy sự tham gia của nam giới và nam thanh niên để chuyển đổi những giá trị nam tính độc hại và góp phần xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường ứng phó và phối hợp liên ngành để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác ở cấp quốc gia và cấp địa phương thông qua mở rộng và thể chế hóa mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa của các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội tuyến đầu.

- Trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục