UNESCO vinh danh Xòe Thái là Di sản Văn hóa Phi vật thể Nhân loại

UNESCO vinh danh Xòe Thái là Di sản Văn hóa Phi vật thể Nhân loại

Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại, khẳng định sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam.
Giây phút Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại đầu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 15/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, diễn ra từ ngày 13-18/12 tại Paris, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được vinh danh cùng với 48 hồ sơ khác.

Theo Ủy ban Liên chính phủ, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, đó là: Di sản Văn hóa Phi vật thể theo định nghĩa trong Công ước 2003; việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định trong Công ước 2003.

[Xòe Thái được đệ trình xin công nhận là di sản văn hóa phi vật thể]

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với 4 tỉnh có di sản xây dựng và hoàn thiện hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” với sự đồng thuận và hiểu biết đầy đủ của cộng đồng người Thái đang nắm giữ, thực hành di sản này.

Phát biểu trước toàn thể hội đồng từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản như: nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng. Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho nghệ nhân thực hành di sản.”

Đầu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên, Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động, vinh dự và tự hào bởi việc ghi danh hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.

“Đây là thành quả của những nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ,” Thứ trưởng cho biết.

Màn đại xòe trong lễ hội tại Yên Bái. (Ảnh: TL)

Nghệ nhân Lò Văn Biến, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Thái cho biết đồng bào Thái Tây Bắc không chỉ múa xòe trong những dịp lễ Tết, mà trong những lễ hội của các bản làng như Xên bản, Xên mường ( lễ cúng bản, cúng mường), trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ hay trong những ngày vui của dòng họ, gia đình, như: lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, trong đám cưới hỏi hoặc đơn giản là khi nhà đón khách quý… đồng bào người Thái đều tổ chức ăn mừng và múa xòe, bởi họ quan niệm, nếu không xòe, tiệc đó không vui và không thành công. Chính vì vậy, xòe đã trở thành một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

Nói về nguồn gốc của múa xòe, nghệ nhân Lò Văn Biến lý giải, do sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành phát triển từ đó.

“Chúng tôi rất xúc động và tự hào khi Xòe Thái được quốc tế vinh danh. Vào trong vòng xòe, già trẻ gái trai, giàu nghèo sang hèn đều trở nên bình đẳng. Tất cả mọi người đều hân hoan nắm tay nhau hòa mình trong vòng xòe,” nghệ nhân chia sẻ./.

Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.
Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu canh tác trồng lúa nước. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Di sản Xòe Thái đi kèm cùng với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành Xòe. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể là nhạc công trong các cuộc Xòe. Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người với mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau. Trẻ em học Xòe từ ông bà, cha mẹ. Các thầy cúng truyền dạy Xòe cho các con nuôi. Các nghệ nhân và những người thực hành Xòe còn truyền dạy trong các đội văn nghệ, các trường phổ thông và trường nghệ thuật.
Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết đến xuân về, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người.
Ở cấp độ địa phương, sự ghi danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái, cũng như về di sản văn hóa nói chung của cộng đồng. Sự ghi danh sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thể hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.
Ở cấp độ quốc gia, sự ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng khác ở Việt Nam. Sự ghi danh cũng sẽ tăng thêm niềm tự hào về bản bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Sự ghi danh khẳng định chính sách bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa. Ở cấp độ quốc tế, sự ghi danh sẽ nâng cao tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Sự ghi danh tăng cường đối thoại giữa các đội văn nghệ và cộng đồng người Thái. Sự ghi danh cũng góp phần làm cho nhiều biểu đạt sáng tạo văn hóa được chú trọng.
Các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng tại bốn tỉnh, nỗ lực của họ trong việc thành lập các đội văn nghệ và đóng góp cho công tác nghiên cứu và xuất bản sách về di sản. Các nghệ nhân truyền đạt tri thức về Xòe cho người học và nỗ lực khôi phục một số điệu Xòe.
Chính phủ đã thông qua và sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa, có cả một chương về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể. Chính phủ vinh danh các nghệ nhân và hỗ trợ về mặt tài chính, hợp tác tổ chức ngày hội văn hóa, hội diễn, và hội thi. Nhiều biện pháp bảo vệ được đề xuất, bao gồm truyền dạy thông qua hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy, nghiên cứu, kiểm kê và tư liệu hóa. Tất cả các biện pháp đều có sự hợp tác với các nghệ nhân và người thực hành.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục