Ban Thư ký Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 14/4 đã ký Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động đảm bảo duy trì việc học tập liên tục trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thư ký điều hành SADC - Tiến sỹ Stergomena Lawrence Tax, và Giám đốc khu vực - Đại diện Văn phòng UNESCO tại miền Nam châu Phi, Giáo sư Hubert Gijzen đã ký Tuyên bố chung, khẳng định hai tổ chức này đang tập hợp các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong liên minh rộng lớn để đảm bảo Việc học không bao giờ dừng lại (#LearningNeverStops).
UNESCO và SADC nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp và hợp tác khu vực trong chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ cùng lãnh đạo Liên minh giáo dục toàn cầu hỗ trợ các quốc gia thành viên SADC giảm thiểu tác động của dịch bệnh này đối với giáo dục và đảm bảo tính liên tục trong triển khai các chương trình giáo dục và học tập.
Quan hệ đối tác sẽ tìm kiếm các giải pháp công bằng, đảm bảo các phản ứng phối hợp và tránh những nỗ lực chồng chéo, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường sau đại dịch, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học.
[Những cánh bay mang hy vọng giữa đại dịch COVID-19 ở Nam Phi]
Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến phần lớn các trường học phổ thông, cao đẳng và đại học phải đóng cửa, ảnh hưởng đến việc học tập của hơn 1,5 tỷ người trên khắp hành tinh, cũng như làm tăng sự bất bình đẳng giáo dục và tác động tiêu cực hơn đối với những trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.
Ban Thư ký SADC và UNESCO sẽ hợp tác thúc đẩy các cơ hội học tập toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên trong giai đoạn gián đoạn giáo dục chưa từng có như hiện nay, góp phần hỗ trợ các quốc gia thành viên nhân rộng các thực tiễn tốt về các giải pháp đào tạo từ xa, cũng như đến được với những trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ cao nhất.
Các nước thành viên SADC sẽ được hỗ trợ các nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp với bối cảnh để cung cấp giáo dục và học tập từ xa, tận dụng và kết hợp các phương pháp công nghệ cao và giáo dục truyền thống, cũng như tìm kiếm các giải pháp công bằng và tiếp cận phổ cập./.