Ngày 6/7/2022, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể (Công ước 2003), tại thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của Tổ chức UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam về các nội dung liên quan, sau đây là nội dung:
- Thưa ông Christian Manhart, ông có đánh giá thế nào về việc Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với số phiếu cao nhất trong số các nước trúng cử?
Ông Christian Manhart: Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, diễn ra tại Đại hội đồng các Quốc gia thành viên tại Paris vào ngày 6/7/2022.
[Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Ủy ban UNESCO về Bảo vệ Di sản]
Thành công này gợi nhắc 16 năm trước, vào tháng 6/2006, khi đó Việt Nam được bầu vào Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước này, rất sớm khi Công ước vừa có hiệu lực.
Việc trúng cử lần thứ hai cho thấy Việt Nam tiếp tục là một trong những thành viên tích cực nhất của UNESCO, luôn sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay.
Kết quả đạt được một lần nữa cho thấy vai trò chủ động của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể.
Kết quả này cũng khẳng định vai trò dẫn dắt và những lời khuyên mà Việt Nam có thể cung cấp cho các quốc gia khác trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ di sản phi vật thể.
Với thành công này, Việt Nam đang đảm nhận những vai trò quan trọng trong hầu hết các cơ chế của UNESCO: Việt Nam được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-25.
Việt Nam cũng là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong nhiệm kỳ này.
- Trở thành thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022-2026, theo ông, Việt Nam cần làm gì tiếp theo để phát huy hiệu quả vai trò mới này trong các hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện các mục tiêu của Công ước vì sự phát triển bền vững, thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO?
Ông Christian Manhart: Câu trả lời đã được giải thích rõ ràng trong kế hoạch hành động ứng cử của Việt Nam và cam kết Việt Nam đưa ra đã thuyết phục đa số các quốc gia thành viên.
Là thành viên tích cực của Ủy ban, Việt Nam sớm bày tỏ sự ủng hộ và tham gia tích cực vào các nhóm công tác về thủ tục, thúc đẩy tham vấn và trao đổi với các quốc gia thành viên khác và Ban Thư ký, cũng như chiến lược chương trình và phân bổ ngân sách…
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò thành viên Ủy ban đối với các vấn đề quan trọng cho việc bảo vệ di sản sống trên thế giới và cho tương lai của Công ước, trong đó đáng chú ý là phản ánh toàn cầu về các cơ chế niêm yết của Công ước, Kế hoạch sử dụng các nguồn lực của Quỹ Di sản Văn hóa Phi vật thể và việc công nhận của các tổ chức phi chính phủ.
- Hiện nay, Việt Nam có 14 Di sản Văn hóa Phi vật thể được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ Khẩn cấp. Xin ông cho biết UNESCO đã có những hoạt động gì để hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có việc đưa các di sản đưa ra khỏi Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần Bảo vệ Khẩn cấp?
Ông Christian Manhart: Kể từ khi Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể có hiệu lực, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của Công ước này. UNESCO đã triển khai nhiều dự án hợp tác và hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia, các địa phương trong bảo vệ, thúc đẩy các thực hành văn hóa đa dạng và phong phú.
Hợp tác trước đây của chúng tôi chủ yếu tập trung vào nâng cao năng lực, huy động chuyên môn quốc tế và các thực hành tốt trong bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức, thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền và lấy cộng đồng làm trung tâm trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hợp tác nghiên cứu, thúc đẩy giáo dục di sản, đảm bảo quyền duy trì phong tục của người dân địa phương, đặc biệt những người sống trong các khu bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống, du lịch, vì lợi ích địa phương và phát triển bền vững.
Điểm nổi bật của những thành tựu hợp tác có thể thấy thông qua thành công và thực tiễn tốt của Việt Nam trong thể chế hóa và khuyến khích mạnh mẽ các chương trình giáo dục di sản ở cả trường học và cộng đồng, việc kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể và sự quan tâm mạnh mẽ của cả người dân và chính phủ trong việc đầu tư, tái đầu tư vào bảo tồn và phát huy các di sản này.
Một thành công đáng kể là sự hồi sinh của Hát Xoan tại tỉnh Phú Thọ, dẫn đến việc Ủy ban Liên Chính phủ quyết định đưa Hát Xoan ra khỏi Danh sách cần Bảo vệ Khẩn cấp và chuyển vào Danh sách Đại diện Nhân loại vào năm 2017. Thành công này đánh dấu một sự kiện chưa từng có, góp phần tạo ra thủ tục mới của Công ước này đối với một di sản được chuyển từ Danh sách Bảo vệ Khẩn cấp sang Đại diện Nhân loại.
- Trân trọng cảm ơn ông!