UNDP nỗ lực giúp VN cải thiện chiếu sáng đô thị

Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao có tổng kinh phí 15 triệu USD, thúc đẩy việc sử dụng chiếu sáng hiệu suất cao ở Việt Nam.
Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL) được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng nguồn vốn từ các cơ quan Chính phủ của Việt Nam với tổng kinh phí lên tới 15 triệu USD.

Dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng chiếu sáng hiệu suất cao ở đường phố, trong trường học và bệnh viện trên khắp Việt Nam, góp phần giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cải thiện chiếu sáng đô thị

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bắc Kinh, cố vấn kỹ thuật cao cấp của dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL) cho biết: Trước đây các thành phố trong nước còn coi nhẹ tầm quan trọng của chiếu sáng. Chiếu sáng còn chưa được coi là một ngành riêng biệt mà chỉ gắn với các hạng mục khác của phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này đang dần được thay đổi khi lãnh đạo các thành phố nhận thấy rằng chiếu sáng thể hiện sự phát triển của thành phố và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc áp dụng các mô hình chiếu sáng hiệu suất cao và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Dưới sự hỗ trợ và tiếp sức của dự án, thành phố đã thay thế các đèn hiệu suất thấp bằng đèn hiệu suất cao. Theo ước tính Thành phố Hồ Chí Minh phải trả khoảng 120 tỉ đồng tiền điện hàng năm. Năm 2010, thành phố đã tiết kiệm được khoảng 37,7 triệu kWh cho chiếu sáng đường phố, tức khoảng 40% lượng điện năng tiêu thụ.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng mô hình điều khiển trung tâm tự động, quản lý 12.000 bộ đèn như vậy tiết kiệm được điện chiếu sáng, ước tính trị giá khoảng 10 tỉ một năm, trong khi vẫn đảm bảo ánh sáng cho lái xe an toàn vào ban đêm.

Tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh, ở Quy Nhơn, thành phố biển thuộc Bình Định đã thay thế 30 cây số đường phố sử dụng đèn hiệu suất cao với hơn 2.000 bóng đèn. Hàng năm, hệ thống mới này đã tiết kiệm được 40.000kWh.

Thắp sáng tương lai


Nhiều năm trước đây, học sinh tại trường Trung học phổ thông An Dương (Hải Phòng) phải chịu cảnh học tập trong các phòng học thiếu ánh sáng. Các lớp học của trường trước đây chủ yếu dùng đèn halogen hoặc đèn compact có độ rọi thấp, đặc biệt là vào mùa đông và những khi trời mưa. Hệ thống chiếu sáng xuống cấp dẫn đến tỉ lệ học sinh mắc các bệnh liên quan tới mắt ngày càng cao.

Với sự hỗ trợ của UNDP, một chương trình chiếu sáng trường học hiệu suất cao được triển khai ở Hải Phòng từ tháng 10/2008. Chương trình này đã nâng cấp hệ thống chiếu sáng cho 2.150 lớp học, sử dụng đèn chiếu sáng hiệu suất cao, giảm thiểu tiêu hao hiện năng, đồng thời bảo vệ mắt cho học sinh.

Kể từ khi tham gia chương trình chiếu sáng hiệu suất cao trong trường học ở Hải Phòng, trường An Dương đã đầu tư 327 triệu đồng để lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới cho 51 phòng học. Hệ thống mới này đã tạo ra được độ rọi đồng đều từ đầu tới cuối lớp học. Tiền điện hàng tháng nhà trường phải thanh toán đã giảm từ 2,4 triệu xuống còn 1,8 triệu đồng.

Đến nay đã có trên 30.000 lớp học toàn quốc đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao và rất nhiều địa phương khác đang triển khai mô hình tương tự. Chính phủ Việt Nam cũng vừa phê duyệt luật hiệu quả năng lượng, Nghị định về tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng và kế hoạch phát triển chiếu sáng công cộng toàn quốc đến năm 2025. Tất cả những nỗ lực này đang góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải các bon ở Việt Nam./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục