UNDP đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Đại diện UNDP đánh giá cao Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ đi kèm với những hành động cụ thể để thực hiện “Cách mạng Xanh” kể từ Hội nghị COP26 đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cuộc "Cách mạng Xanh," ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có vai trò tích cực của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Điện tử VietnamPlus qua việc truyền thông góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai hiệu quả, Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - bà Ramla Khalidi nhấn mạnh thời gian tới UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nhằm hiện thực hóa một Việt Nam Xanh, bền vững và tự cường hơn.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn bà bà Ramla Khalidi xoay quanh nội dung trên.

Truyền thông góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai

- Thưa bà Ramla Khalidi, trên cơ sở ghi nhận, đánh giá của UNDP, xin bà cho biết tình hình thiên tai cũng như mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở trong những năm gần đây tại Việt Nam? Đâu là những nguyên nhân chính được nhận diện?

Bà Ramla Khalidi: Năm 2023, thế giới chứng kiến nhiều thiên tai thảm khốc. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây trên cả nước cũng đã phải hứng chịu nhiều thiên tai nguy hiểm diễn ra trên quy mô lớn. Từ tác động của 21/22 loại hình thiên tai, ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại từ 1 đến 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ sinh sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng.

Hầu hết tất cả các vùng trên cả nước đều dễ bị tổn thương trước một hoặc hai loại hình thiên tai điển hình. Ví dụ như tại khu vực miền Trung thường có nguy cơ bão, lũ rất lớn; khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị hạn hán; vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ bị hạn hán, xâm nhập mặn; khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung dễ bị lũ quét, lở đất. Các hiểm họa có xu hướng xảy ra quanh năm, thiệt hại và mất mát tăng dần theo mức độ dễ bị tổn thương và mức độ rủi ro.

Mặt khác, chúng ta phải hiểu và thừa nhận rằng các hoạt động do con người gây ra những thay đổi về dòng chảy và bề mặt thảm thực vật, dẫn đến các cấu trúc đất và đá bị phá vỡ cũng góp phần làm tăng tính dễ bị tổn thương. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và dân số đang ngày càng tăng, do đó áp lực từ các hoạt động kinh tế - xã hội lên thiên nhiên ngày càng gia tăng, có thể góp phần dẫn đến thiên tai.

- Liên quan đến vấn đề trên, cuối tháng 12/2023 vừa qua, Báo Điện tử VietnamPlus cũng đã đăng tải loạt bài chuyên đề “Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! Xin hỏi, sau khi theo dõi loạt bài, bà đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông báo chí trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai?

Bà Ramla Khalidi: Như tôi đã đề cập ở trên, những năm gần đây, Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai cực đoan. Sạt lở đất có thể là một trong những loại thiên tai phức tạp hơn, thường xuyên xảy ra và tàn phá các cộng đồng địa phương ở Việt Nam, phá hủy tài sản của hộ gia đình và cơ sở hạ tầng của nhà nước, gây nguy hiểm cho sinh kế và thậm chí cướp đi sinh mạng con người.

So với bão và hạn hán, sạt lở đất và lũ quét là những thảm họa đặc biệt thách thức, vì rất khó dự báo chính xác các vị trí và mức độ nghiêm trọng của chúng.

Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do vậy tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí truyền thông, trong đó có Báo Điện tử VietnamPlus trong việc tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại thiên tai hiệu quả ở Việt Nam. Trên toàn cầu, báo chí truyền thông đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai bằng cách phổ biến thông tin kịp thời, chất lượng cao và chính xác đến người dân - và điều này cũng đúng ở Việt Nam.

Trên thực tế, báo chí, truyền thông giúp nâng cao kiến thức và nhận thức của công chúng về thiên tai, đưa ra cảnh báo về thiên tai và phổ biến thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng. Ở Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thông báo cho người dân về các biện pháp chuẩn bị cần thiết mà họ có thể thực hiện để chống chọi với tác động của thiên tai, từ đó giúp họ nâng cao khả năng phục hồi và ứng phó với thảm họa hiệu quả hơn.

Tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò tích cực của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Điện tử VietnamPlus nói riêng trong việc đưa tin về lũ quét, sạt lở đất đã tàn phá hàng nghìn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua. Điển hình như loạt bài Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau!

Người dân cần hiểu rằng bên cạnh yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu, chính áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động của con người như phá rừng, xây dựng nhà ở và công trình dọc sông suối, khai thác cát sông trái phép và xây dựng đường sá, cùng nhiều hoạt động khác, đang gây ra những thay đổi trong cấu trúc bề mặt đất. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng mất ổn định nền đất, từ đó làm tăng nguy cơ sạt lở đất, và nguy cơ sạt lở đất càng trầm trọng hơn mỗi khi có mưa lớn trong bão.

Việt Nam đã đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực “tổn thương”

- Vậy bà đánh giá thế nào về sự quyết tâm cũng như hành động trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong những năm gần đây (đặc biệt là những cam kết mạnh mẽ mà Việt Nam đã đưa ra tại các Hội nghị COP)?

Bà Ramla Khalidi: Ở góc độ giảm thiểu biến đổi khí hậu, Chính phủ, các bộ, cơ quan đã ban hành các chính sách hỗ trợ giảm phát thải khí nhà kính hoàn toàn phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng “0” đầy tham vọng của Việt Nam (được đưa ra tại COP26), bao gồm Chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sửa đổi năm 2022, Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia (2021-2023), Kế hoạch phát triển điện 8 và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030.

Đặc biệt, Kế hoạch Huy động Nguồn lực (RMP) để thực hiện Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP28. JETP đã thống nhất với Nhóm Đối tác Quốc tế vào tháng 12/2022, sẽ huy động 15,5 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

RMP đã vạch ra lộ trình để Việt Nam huy động các nguồn tài chính cần thiết và ưu tiên các dự án hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng của mình. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đạt được cam kết số 0 ròng, đặc biệt theo cách công bằng, bình đẳng và toàn diện.

Ở góc độ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã đề ra nhiều chính sách và chương trình quan trọng nhằm giúp người dân thích ứng với những rủi ro ngày càng gia tăng và giảm thiểu tác động của thiên tai.

UNDP khuyến cáo Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển sinh kế bền vững. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong tương lai, Việt Nam có thể tiếp tục ưu tiên sinh kế bền vững, xây nhà ở an toàn, và xây dựng cơ sở y tế có thể chống chịu được thiên tai nghiêm trọng. Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác để tăng cường áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên (chẳng hạn như trồng rừng ngập mặn), bên cạnh cơ sở hạ tầng xám, vì chúng mang lại một loạt các đồng lợi ích về giảm nhẹ, đa dạng sinh học.

Đối với sạt lở đất và lũ quét tại các “điểm nóng” miền núi, Việt Nam đã tiến hành lập bản đồ rủi ro và di dời người dân đến nơi an toàn, cũng như xây dựng nhà ở và trường học cho các nhóm dân tộc thiểu số. Chúng tôi đánh giá cao hành động của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn cho người dân ở những địa điểm dễ bị tổn thương như vậy.

UNDP sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam

- Hiện nay, biến đổi khí hậu, thiên tai đang tiếp tục diễn biến phức tạp và trở thành “tình trạng khẩn cấp” trên toàn cầu. Vậy trong thời gian tới, theo bà, Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp, hành động cụ thể thế nào để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất đá có thể gây ra?

Bà Ramla Khalidi: Đối với thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng, chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam (bao gồm các bộ, ngành và chính quyền địa phương) cần ưu tiên nghiên cứu và triển khai các giải pháp tổng hợp để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Đơn cử như bảo vệ rừng nhiệt đới nguyên sinh, trồng rừng thay thế, hạn chế chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy “Cách mạng Xanh” mà còn giảm nguy cơ sạt lở đất ở miền núi.

Cùng với đó, công tác phổ biến thông tin về phòng chống các loại thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc cũng cần được ưu tiên. Khi người dân và chính quyền nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm, rủi ro và thiệt hại của sạt lở đất, họ sẽ chủ động có biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro, hạn chế các hoạt động xâm phạm vào tự nhiên.

Đặc biệt công tác đầu tư nâng cao chất lượng dự báo mưa, cảnh báo sớm trượt lở đất cần được chú trọng. UNDP đã hỗ trợ xây dựng 24 trạm cảnh báo sớm (trạm đo mưa tự động) tại các khu vực trọng điểm ở miền Trung Việt Nam. UNDP sẽ nghiên cứu khả năng mở rộng sang các tỉnh miền núi phía Bắc trong tương lai. Chúng tôi tin tưởng rằng với nhiều trạm đo mưa hơn, chất lượng dự báo sẽ tăng lên, Chính phủ Việt Nam sẽ có số liệu chính xác hơn để đưa ra cảnh báo sớm cho người dân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân vào bảo hiểm thiên tai và các trạm cảnh báo sớm; tận dụng nguồn lực từ Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vừa được vận hành tại COP28 để cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm ứng phó khẩn cấp trước những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu…

- Để đạt được các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26 cũng như COP28, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của quốc tế. Vậy trong thời gian tới, Chương trình phát triển liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thế nào trong “cuộc cách mạng Xanh” lịch sử này?

Bà Ramla Khalidi: Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ đi kèm với những hành động cụ thể để thực hiện “Cách mạng Xanh” kể từ COP26. Trong thời gian tới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam (bao gồm cả cấp trung ương ở các bộ và cấp tỉnh) nhằm hiện thực hóa một Việt Nam bền vững và tự cường hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Tôi vui mừng nêu bật một số lĩnh vực hợp tác chính như chuyển đổi hệ thống năng lượng của Việt Nam để khử cácbon cho nền kinh tế là một hướng đi quan trọng. Nghĩa là thu hút đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, năng lượng gió, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện đều góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng.

UNDP với tư cách là “cơ quan hỗ trợ chính cho Ban Thư ký JETP” đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng JETP RMP toàn diện, được ra mắt tại COP28. Vào năm 2024, UNDP sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ vận hành và kỹ thuật cho Ban Thư ký JETP và các Nhóm công tác liên quan.

Trong thời gian tới, UNDP cũng sẽ phối hợp với Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng phương tiện Giao thông Xanh, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Gần đây, UNDP và các đối tác khác đã hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe điện trong việc thu gom và vận chuyển rác thải là một ví dụ điển hình. UNDP sẽ hỗ trợ đối thoại chính sách và các sáng kiến nhằm tăng cường khung pháp lý về năng lượng tái tạo, trạm sạc pin, trợ cấp…

Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia dễ bị tổn thương thứ sáu trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Do vậy, thời gian tới, UNDP sẽ duy trì sự hỗ trợ của chúng tôi đối với các sáng kiến xây dựng khả năng phục hồi của Việt Nam và tham gia thực hiện các giải pháp sáng tạo, tích hợp.

Một số hoạt động chính như trồng rừng ngập mặn dọc các con sông ven biển, xây dựng nhà chống bão, trạm y tế an toàn, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, đào ao chống chịu với biến đổi khí hậu, thúc đẩy thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu, hỗ trợ sinh kế bền vững, đào tạo năng lực cho cán bộ xã, lập kế hoạch dự phòng và cung cấp hỗ trợ về khung chính sách và pháp lý (ví dụ như về bảo hiểm thiên tai hoặc cảnh báo sớm).

- Trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục