Theo báo cáo của Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) được công bố ngày 17/2, Thụy Sĩ đứng đầu Chỉ số Thương mại Điện tử Doanh nghiệp với Người tiêu dùng (B2C) năm 2020 trong bảng xếp hạng 152 quốc gia về mức độ sẵn sàng tham gia vào thương mại trực tuyến.
Đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ vượt Hà Lan dẫn đầu Chỉ số thương mại điện tử UNCTAD B2C. Năm 2019, 97% dân số Thụy Sĩ đã sử dụng Internet.
Châu Âu cho đến nay vẫn là khu vực chuẩn bị tốt nhất cho thương mại điện tử, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn đối với các quốc gia có mức độ sẵn sàng thấp nhất. Những quốc gia này cần phải giải quyết những điểm yếu để đưa lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số đến nhiều người hơn. Các nền kinh tế ngoài châu Âu duy nhất trong top 10 là Singapore xếp thứ tư và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí thứ 10.
Chỉ số này tính điểm 152 quốc gia về mức độ sẵn sàng mua sắm trực tuyến trị giá ước tính 4.400 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2018, tăng 7% so với năm trước đó. Các quốc gia được chấm điểm về khả năng truy cập vào các máy chủ Internet an toàn, độ tin cậy của các dịch vụ bưu chính và cơ sở hạ tầng cũng như tỷ lệ dân số sử dụng Internet và có tài khoản trong một tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ tiền di động.
10 quốc gia đang phát triển có điểm số cao nhất đều đến từ châu Á và được xếp vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao hoặc trung bình cao. Ở đầu kia, các nước kém phát triển nhất chiếm 18 trong số 20 vị trí cuối bảng.
[Hà Lan đứng đầu thế giới về mua sắm trực tuyến trong năm 2018]
Hai thị trường thương mại điện tử B2C lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ lần lượt xếp thứ 55 và 12 trong bảng xếp hạng. Mặc dù cả hai cường quốc đều dẫn đầu về một số thước đo tuyệt đối, nhưng họ lại tụt hậu khi so sánh tương đối. Ví dụ, tỷ lệ sử dụng Internet ở Hoa Kỳ thấp hơn bất kỳ nền kinh tế nào trong tốp 10, trong khi Trung Quốc đứng thứ 87 trên thế giới về chỉ số này. Về tỷ lệ thâm nhập mua sắm trực tuyến, Hoa Kỳ đứng thứ 12 trong khi Trung Quốc đứng thứ 33.
Shamika N. Sirimanne, Giám đốc bộ phận về chỉ số thường niên của UNCTAD, cho biết khoảng cách thương mại điện tử vẫn còn rất lớn. Ngay cả trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), quy mô mua sắm trực tuyến dao động từ 3% ở Ấn Độ đến 87% ở Vương quốc Anh. Trong khi ở Canada, Hoa Kỳ và 10 quốc gia châu Âu, hơn 70% dân số trưởng thành mua hàng trực tuyến. Nhưng tỷ lệ đó ở hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình thấp chỉ dưới 10%.
Bà Sirimanne nói: “Đại dịch COVID-19 đã khiến việc đảm bảo các quốc gia đi sau có thể bắt kịp và gia tăng sự sẵn sàng cho thương mại điện tử của họ càng trở nên cấp thiết hơn. Chỉ số này nhấn mạnh sự cần thiết của các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo nhiều người hơn có thể tận dụng các cơ hội thương mại điện tử. Nếu không, các doanh nghiệp và mọi người sẽ bỏ lỡ các cơ hội do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại và họ sẽ ít chuẩn bị hơn để đối phó với các thách thức khác nhau."
Báo cáo của UNCTAD lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Ví dụ, 7,3 triệu người Brazil đã mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch./.