Theo một báo cáo công bố ngày 16/6 của Liên hợp quốc, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu có khả năng giảm 40% trong năm nay và thậm chí tệ hơn trong năm 2021, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Theo đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết FDI toàn cầu trong năm nay sẽ thu hẹp từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể năm 2005 tới nay.
UNCTAD cũng dự báo FDI sẽ còn giảm thêm 5-10% vào năm 2021 và chỉ bắt đầu phục hồi vào năm 2022.
Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.
Theo ông Kituyi, đại dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến các nước đang phát triển, khi những nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng gián đoạn trong các ngành sản xuất chính, kiều hối và các khoản thu từ du lịch suy giảm cũng như hoạt động giao thương quốc tế thu hẹp.
Người đứng đầu UNCTAD cũng cảnh báo cú sốc từ dịch COVID-19 sẽ càng thêm phức tạp do tác động của nó đến an ninh lương thực. Điều này là do việc sản xuất các mặt hàng thực phẩm chính lại tập trung ở một vài quốc gia lớn, nơi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.
[Xu hướng dòng chảy FDI đến, đi từ Trung Quốc thời kỳ hậu COVID-19]
Ở châu Á, đại dịch được dự đoán sẽ làm giảm thu nhập từ việc tái đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài trong khu vực này.
Cuộc khủng hoảng cũng nêu bật tầm quan trọng của Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác như những trung tâm sản xuất toàn cầu.
Báo cáo của UNCTAD cũng lưu ý 32 quốc gia kém phát triển không giáp biển đang phải vật lộn với tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với dòng vốn FDI, đặc biệt là khi các nước phải đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh.
UNCTAD cho rằng những quốc gia đó không thể chuyển sang vận tải đường biển trực tiếp - vốn chuyên chở tới 80% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.
Ông James Zhan, Giám đốc bộ phận đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD, cho biết theo kinh nghiệm từ quá khứ, đầu tư quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi các nền kinh tế sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông nói thêm quá trình phục hồi có thể tạo ra cơ hội cho các nước thu nhập trung bình, khi các chuỗi giá trị ngày càng khu vực hóa hơn./.