Ông Eamonn Murphy, Giám đốc khu vực Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại châu Á-Thái Bình Dương và Đông Âu-Trung Á, cảnh báo chiều hướng gia tăng đột biến về tỷ lệ nhiễm HIV gần đây trong các nhóm thanh niên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một mối lo ngại nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi các quốc gia đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa và can thiệp.
Ông Murphy cho biết các ca chẩn đoán HIV mới vào năm ngoái chủ yếu nằm trong nhóm những người ở độ tuổi 15-24 tại Thái Lan, với 47% tổng số ca nhiễm HIV mới xuất hiện trong nhóm này.
Tuy nhiên, Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận xu hướng này, bởi UNAIDS cũng đã chứng kiến làn sóng nhiễm HIV thứ hai trong giới trẻ ở các quốc gia khác như Philippines, Myanmar, Indonesia, Campuchia…
Báo cáo mới đây của UNAIDS ước tính khoảng 6,7 triệu người sống chung với HIV ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2023. Đây là một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, chỉ sau miền Đông và miền Nam châu Phi.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 23% tổng số ca nhiễm mới HIV trên toàn cầu vào năm ngoái. Kể từ năm 2010, số ca tử vong do AIDS đã giảm 51%, nhưng số ca nhiễm mới chỉ giảm 13% trong cùng thời kỳ. Năm 2023, có 150.000 ca nhiễm mới trong khu vực, cũng như 150.000 ca tử vong liên quan đến AIDS.
Số ca nhiễm mới giảm chậm chủ yếu là do dịch bệnh gia tăng tại 6 quốc gia. Kể từ năm 2010, số ca nhiễm mới đã gia tăng ở Afghanistan (175%), Bangladesh (20%), Fiji (241%), Lào (23%), Papua New Guinea (104%) và Philippines (543%).
Báo cáo đánh giá những nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa HIV kết hợp - bao gồm giảm thiểu tác hại, tự xét nghiệm và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hoặc PrEP (phương pháp điều trị được sử dụng để ngăn ngừa mọi người nhiễm virus nếu bị phơi nhiễm) - vẫn chưa đầy đủ.
Ông Murphy khẳng định PrEP có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV khi được thực hiện theo quy định, nhưng UNAIDS muốn các nước trong khu vực kết nối với giới trẻ để thúc đẩy công tác phòng ngừa trong vai trò của một chiến lược hàng đầu.
Đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong công tác đối phó với đại dịch HIV, ông Murphy cho rằng cần khuyến khích người trẻ sử dụng tất cả các dịch vụ hiện có và giới thiệu các công cụ phòng ngừa mới để họ có nhiều lựa chọn hơn để bảo vệ bản thân.
Bên cạnh đó, quan chức UNAIDS cũng kêu gọi chính phủ các nước triển khai những chiến dịch “U=U” quy mô lớn như Việt Nam.
“U=U” là chữ viết tắt của cụm từ “Không thể phát hiện được = Không thể lây truyền” là chiến dịch truyền thông do UNAIDS khởi xướng về hiệu quả của thuốc điều trị HIV trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục.
Chiến dịch “U=U” biểu thị rằng nếu một người nhiễm HIV đang sử dụng thuốc điều trị HIV (điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc ART) với tải lượng virus HIV luôn ở mức không thể phát hiện được thì virus này không thể lây truyền sang bạn tình.
Là một chiến lược phòng ngừa, “U=U” thường được gọi là Điều trị là Phòng ngừa hoặc TasP.
Nhấn mạnh “U=U” được thiết kế nhằm giúp mọi người không còn lo sợ về HIV và những người sống chung với AIDS, ông Murphy tin tưởng chiến dịch này có thể thay đổi thái độ của xã hội, giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn khi đến phòng khám, làm xét nghiệm hoặc thực hiện biện pháp phòng ngừa.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nittaya Phanuphak - Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Đổi mới HIV (IHRI) - bày tỏ mong muốn Chính phủ Thái Lan hỗ trợ chiến dịch “U=U."
Theo bà Nittaya, cộng đồng, gia đình của những người nhiễm HIV và xã hội dân sự ở Thái Lan trong nhiều năm qua đã tin tưởng vào thông điệp mạnh mẽ của chiến dịch rằng những người sống chung với HIV cũng nên được đối xử bình đẳng như tất cả mọi người./.
Điều kiện xác định người phơi nhiễm, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
Theo Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg, người được xác định bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.