UN Women: Đặt phụ nữ, trẻ em gái vào trung tâm của việc ra chính sách

Theo Trưởng đại diện UN Women, để có hiệu quả nhất, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định.
UN Women: Đặt phụ nữ, trẻ em gái vào trung tâm của việc ra chính sách ảnh 1Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với chủ đề “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững," Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2022 ghi nhận những đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới trong việc dẫn đầu các hành động thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu để xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN phỏng vấn với bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) về nội dung này.

- Xin bà chia sẻ những nét chính của thông điệp của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2022?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trước hết, thay mặt UN Women, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến phụ nữ Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ là “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững" nhằm ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người gánh vác phần lớn trách nhiệm trong các nỗ lực và ứng phó với thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả chúng ta.

Chủ đề này phù hợp với chủ đề ưu tiên của Ủy ban về Địa vị của Phụ nữ của Liên hợp quốc sắp tới: “Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các chính sách và chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai và môi trường."

- Biến đổi khí hậu vẫn đang là một trong những vấn đề toàn cầu nóng nhất của thế kỷ 21. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo bà, biến đổi khí hậu có tác động thế nào đến phụ nữ và trẻ em gái cũng như tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Trên toàn thế giới, bất bình đẳng giới cùng với khủng hoảng khí hậu, môi trường và thảm họa là hai thách thức phát triển bền vững lớn nhất của thời đại chúng ta, với những tác động không cân xứng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và những nhóm bên lề.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiên tai, thảm họa về khí hậu và môi trường đe dọa việc thực hiện đầy đủ các quyền con người, đặc biệt là các quyền được sống và có nhân phẩm, được phát triển, có một cuộc sống không bị bạo lực và không bị phân biệt đối xử, có mức sống đầy đủ, được tiếp cận đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần theo tiêu chuẩn, được tiếp cận đến nước sạch và vệ sinh. Những điều này có tác động nghiêm trọng đến phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, bản địa và người di cư.

[Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ]

Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường và đẩy những người bị tụt hậu xa hơn vào tình trạng nghèo cùng cực. Trong bối cảnh này phụ nữ và trẻ em gái thường chịu nhiều tác động tiêu cực hơn.

Ở Việt Nam, đất nước đang phải đối mặt với tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và thiên tai. Hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong những năm qua ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại to lớn về kinh tế mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt của đời sống người dân, đặc biệt là cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất.

Thưa bà, với kinh nghiệm quốc tế và chuyên môn sâu, UN Women có khuyến nghị gì để Việt Nam để tăng cường vai trò của phụ nữ trong phòng, chống biến đổi khí hậu gắn với bình đẳng giới?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Từ kinh nghiệm quốc tế trong nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng để có hiệu quả nhất, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định.

Tôi xin dưa ra 6 khuyến nghị. Cụ thể, trước hết, lồng ghép các quan điểm giới vào các chính sách và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai về khí hậu, môi trường và thiên tai.

Thứ hai, thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong các hành động và quản lý rủi ro khí hậu, môi trường và thiên tai ở tất cả các cấp. 

UN Women: Đặt phụ nữ, trẻ em gái vào trung tâm của việc ra chính sách ảnh 2Lao động nữ tại một cơ sở dệt cói. (Nguồn: TTXVN)

Thứ ba, xây dựng khả năng phục hồi của phụ nữ và trẻ em gái và các tổ chức phụ nữ.

Thứ tư là tăng cường phòng ngừa, ứng phó và khắc phục bạo lực trên cơ sở giới và tình dục trong các cuộc khủng hoảng và thiên tai về khí hậu và môi trường, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với các hình thức phân biệt đối xử đa dạng và đan xen.

Thứ năm, tăng cường tài chính cho các sáng kiến về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai có tính đáp ứng giới và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác xã của phụ nữ.

Cuối cùng là cải thiện và đầu tư vào số liệu thống kê về giới trong mối quan hệ giữa giới và môi trường, cũng như dữ liệu được phân tách theo giới tính, thu nhập, tuổi, chủng tộc, dân tộc, tình trạng di cư, khuyết tật, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới và vị trí địa lý.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cán bộ, chiến sỹ đội CSGT số 7 dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nghị định 168 - Chỉ bàn tiến, không bàn lùi!

Tính từ ngày 1/1 (thời điểm Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực) đến ngày 15/1/2025, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.