Ukraine thiệt hại 3 tỷ USD nếu Nga ngừng trung chuyển khí đốt

Người đứng đầu công ty Naftogaz Ukraine cho hay nước này sẽ thiệt hại 3 tỷ USD mỗi năm nếu Gazprom của Nga ngừng trung chuyển khí đốt sang thị trường châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm cung cấp khí gần làng Volovets, miền Tây Ukraine. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Andrey Kobolev, người đứng đầu công ty Naftogaz Ukraine, cho hay ước tính nước này sẽ thiệt hại 3 tỷ USD mỗi năm nếu Gazprom của Nga ngừng trung chuyển khí đốt sang thị trường châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

Theo một tính toán khác, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Maria Yovanovic cho rằng Ukraine sẽ mất khoảng 3% GDP và nguồn thu giảm 2,7 tỷ USD mỗi năm nếu mất đi khách hàng Nga.

Trước đó, mùa Thu 2015, Thủ tướng Ukraine lúc đó là Arseni Yatseniuk đánh giá thiệt hại của đất nước trong trường hợp Nga ngừng sử dụng dịch vụ trung chuyển của nước này là khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về khu liên hợp dầu khí của Ukraine hôm 25/10, ông Kobolev nhấn mạnh ngay cả việc cho phép đối tác quốc tế tham gia quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine cũng không bảo đảm được rằng Nga sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt sang châu Âu qua lãnh thổ nước này.

Trong khi đó, người đứng đầu Gazprom Aleksey Miller dự báo lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine sẽ giảm năm lần, chỉ còn khoảng 15 tỷ m3 mỗi năm. Hồi mùa Hè 2016 khi lượng khí đốt Nga đi qua Ukraine giảm mạnh. Dù vậy, cuối năm đó, lượng trung chuyển này đã tăng 23% và đạt 82,2 tỷ m3, so với 67,1 tỷ m3 hồi năm 2015. Tuy nhiên, Gazprom cho rằng duy trì lượng trung chuyển khí đốt ở mức này là không hợp lý thứ nhất là do kế hoạch đưa tuyến đường ống “Dòng chảy Bắc 2” vào vận hành, đưa khí đốt thẳng đến Đức, và thứ hai là vì Ukraine có dự định tăng phí trung chuyển.

[Phó Thủ tướng Ukraine nêu điều kiện quay lại mua khí đốt từ Nga]

Ngoài thiệt hại về tiền, Ukraine còn phải đối mặt với một vấn đề khác khi Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống dẫn. Thông thường hệ thống ống dẫn đó cần chuyển tải khoảng 60 tỷ m3 mỗi năm nếu không muốn bị rỉ sét và trở thành đống sắt vụn.

Hồi tháng 5/2017, giám đốc chương trình năng lượng của Trung tâm kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine, Valentin Zemliansky nói trong trường hợp lượng khí đốt đi qua hệ thống đường ống bị giảm xuống, Ukraine sẽ cần có tiền không phải để nâng cấp hệ thống như yêu cầu hiện nay, mà để duy tu các đường ống. Còn trường hợp xấu nhất là sẽ buộc phải “thanh lý” như với rất nhiều nhà máy khác.

Hiện hợp đồng vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống dẫn ở Ukraine có hiệu lực đến 10 giờ ngày 1/1/2020, nhưng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cam đoan chắc rằng ông sẽ không gia hạn hợp đồng nếu phát sinh các điều kiện bất lợi cho Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục