Ukraine khẳng định không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt của Nga

Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này, tuy nhiên sẵn sàng thảo luận về việc vận chuyển khí đốt từ bất kỳ nguồn nào khác ngoài Nga.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Reuters đưa tin Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận cho phép vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sau khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Ukraine sẵn sàng thảo luận về việc vận chuyển khí đốt từ bất kỳ nguồn nào khác ngoài Nga.

Phát biểu trên ứng dụng Telegram sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Slovakia Robert Fico, ông Shmyhal nhấn mạnh nếu Ủy ban châu Âu chính thức đề nghị Ukraine vận chuyển khí đốt không phải của Nga, Kiev sẽ sẵn sàng thảo luận và đạt được thỏa thuận phù hợp.

Ông cũng cho biết Ukraine đã nỗ lực trong năm qua để đảm bảo nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khí đốt cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Slovakia và các quốc gia khác đang nhận khí đốt từ Nga thông qua đường ống dẫn qua Ukraine đang tích cực đàm phán để tránh việc nguồn cung bị gián đoạn khi thỏa thuận hết hạn.

Thủ tướng Fico nhận định việc duy trì vận chuyển khí đốt không chỉ là vấn đề song phương với các nước láng giềng Ukraine mà còn là vấn đề của toàn EU.

Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Denisa Sakova cho biết các nước và công ty châu Âu có nhu cầu khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt Nga trong năm tới thông qua Ukraine và đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung mới.

Slovakia hy vọng có thể đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 2-3 năm tới, trong khi EU đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Moldova, quốc gia láng giềng phía tây của Ukraine, cũng đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung từ Gazprom và đang xem xét phương án nhận khí đốt Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania.

Các quan chức Ukraine cho biết đã có những cuộc thảo luận về khả năng vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan đến các nước châu Âu qua lãnh thổ Ukraine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục