Ukraine: Hàng loạt Đại sứ quán nước ngoài ở Kiev đóng cửa do lo ngại không kích

Chính phủ Ukraine đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh phương Tây không gây thêm căng thẳng bằng những động thái "đóng cửa đại sứ quán vì lý do an ninh."
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine. (Ảnh: CNN)

Ngày 20/11, Bộ Quốc phòng Ukraine đã hạ thấp nguy cơ đối với an ninh tại thủ đô Kiev trong bối cảnh một loạt đại sứ quán nước ngoài tại Kiev đóng cửa tạm thời.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 20/11, Đại sứ quán Italy tại Ukraine đã tạm thời đóng cửa vì lý do an toàn.

Thông báo của cơ quan đại diện ngoại giao Tây Ban Nha cho biết sẽ không cung cấp dịch vụ vào ngày 20/11 do “nguy cơ xảy ra các cuộc không kích trên khắp Ukraine ngày càng gia tăng.”

Cơ quan này khuyến nghị công dân Tây Ban Nha sống tại Ukraine nên làm theo mọi khuyến cáo từ chính quyền địa phương và nên ở gần nơi trú ẩn.

Tương tự, Italy và Hy Lạp cũng ra tuyên bố tạm thời đóng cửa đại sứ quán vì lý do an ninh.

Động thái của các đại sứ quán trên nối tiếp hành động trước đó của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev. Cơ quan đại diện của Mỹ đã ra khuyến cáo về nguy cơ xảy ra tấn công quy mô lớn nhằm vào thủ đô của Ukraine, hướng dẫn nhân viên về nơi trú ẩn.

Trên trang web, Đại sứ quán Mỹ còn khuyến nghị công dân nước này nên chuẩn bị nơi trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có báo động về không kích.

Trong khi đó, một viên chức Bộ Ngoại giao Đức cho biết đại sứ quán Đức tại Kiev vẫn mở cửa với số lượng hạn chế và công dân Đức tại Ukraine vẫn có thể liên hệ tới cơ quan đại diện ngoại giao này.

Bộ Ngoại giao liên tục liên lạc với các đồng nghiệp tại Kiev để triển khai các phương án phù hợp nếu tình hình thay đổi.

Chính phủ Ukraine đã lên tiếng kêu gọi các đồng minh phương Tây không gây thêm căng thẳng bằng những động thái như trên.

Những cảnh báo về nguy cơ an ninh xuất hiện sau khi Ukraine lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga.

Điện Kremlin cho rằng việc Washington cho phép hành động này xảy ra sẽ kéo dài cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau đó đã thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 20/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng việc Washington chấp thuận cho Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ tấn công lãnh thổ Nga có thể kéo thế giới đến bờ vực của một "cuộc chiến lớn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục