Ukraine đã dập tắt đám cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết hàng trăm nhân viên cứu hỏa đã sử dụng máy bay, trực thăng để dập tắt ngọn lửa và hiện không còn ngọn lửa nào bùng pht nhưng vẫn còn sót lại tàn tro cháy âm ỉ dưới mặt đất
Ukraine đã dập tắt đám cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ảnh 1Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine ngày 5/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/4, giới chức Ukraine thông báo lực lượng cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa thiêu trụi các khu rừng xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong nhiều ngày qua.

Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết hàng trăm nhân viên cứu hỏa đã sử dụng máy bay và trực thăng để dập tắt ngọn lửa. Hiện không còn ngọn lửa nào bùng phát, tuy nhiên vẫn còn sót lại tàn tro cháy âm ỉ dưới mặt đất.

Ngọn lửa bùng phát từ ngày 3/4 ở phần phía Tây của khu vực cấm gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vốn đã ngừng hoạt động từ lâu, và lan sang các khu rừng gần đó bất chấp những nỗ lực của lực lượng cứu hỏa.

Truyền hình địa phương phát đi những hình ảnh ngọn lửa đã thiêu hủy nhiều khu nghĩa trang, cánh rừng, khu vực đầm lầy và ít nhất 12 ngôi làng.

Ngày 12/4, ngọn lửa đã tiến sát hơn tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy nhiều loài động vật, gia súc bỏ chạy qua những cánh đồng; trực thăng cứu hỏa trút hàng tấn nước xuống khu vực mà lửa đang bao phủ...

Các nhà hoạt động môi trường ngày 13/4 cảnh báo rằng đám cháy gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới hồi năm 1986 có nguy cơ bức xạ.

[Ukraine: Cháy rừng vẫn tàn phá khu vực gần nhà máy hạt nhân Chernobyl]

Tuy nhiên, nhà chức trách Ukraine ngày 14/4 khẳng định dù có ghi nhận sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn đồng vị phóng xạ Caesium-137 tại khu vực Kiev ở phía Nam của nhà máy, nồng độ phóng xạ vẫn ở trong mức bình thường và không cần triển khai các biện pháp bảo vệ.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cam kết sẽ làm minh bạch vụ việc và triệu tập cuộc họp với người đứng đầu cơ quan khẩn cấp vào cuối ngày 14/4.

Cảnh sát cho biết họ đã xác định được một người dân địa phương, 27 tuổi, bị tình nghi cố tình gây ra vụ cháy trên.

Sự cố hồi tháng 4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân này, trong đó lò phản ứng thứ tư của nhà máy phát nổ, đã khiến một vùng rộng lớn của châu Âu ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Ukraine, Belarus, Nga, các nước vùng Baltic và một số quốc gia khác. Đây được xem là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.

Sau vụ việc này, người dân không được phép sinh sống trong phạm vi 30km xung quanh nhà máy điện này. Ba lò phản ứng còn lại tại Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện cho đến khi nhà máy này chính thức ngừng hoạt động vào năm 2000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục