Mấy ngày đầu đi làm lại sau trên dưới chục ngày nghỉ Tết, tại các cơ quan hành chính đâu đâu cũng tưng bừng lời chúc. Không khí xuân nhà, xuân quê đang dồn thành xuân tràn các cơ quan…
Kẻ lãng đãng, người căng thẳng...
Anh Long ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói: “Đến nhiều cơ quan dễ thấy vẻ rạng ngời vui chơi chứ chưa thực sự… chí thú công việc. Mấy ngày đầu đi làm, nhiều người như không chịu để không khí Tết qua đi, người ta mừng tuổi, chúc tụng triền miên. Cánh các bà các chị 'cắt tám tiếng vàng ngọc' rất nhẹ nhàng để đi chúc Tết, đi lễ đền, chùa.”
“Mặt mọi người ai cũng như có chút men rượu. Chí ít cũng là rượu vang. Công sở vẫn từ từ thủng thẳng chứ chưa trở lại không khí làm việc. Vui thì vui nhưng công việc ít nhiều bị ảnh hưởng," anh Long nói thêm.
Khi nhà báo gọi điện đến một số nơi xin phỏng vấn toàn gặp lời chúc Tết khỏa lấp và cái hẹn hoãn rất xa. Đành dùng chiêu 'đột nhập' đến vài cơ quan thường lấy tin, thì thấy đâu cũng 'ấm áp tình đồng nghiệp,' nhà báo như người thừa... đành xin kiếu. Nếu đến ba nơi, uống ba ly rượu vang đầy mừng xuân thì về tòa soạn có thể gục ngáy nhè nhẹ trên mặt bàn!
Chị Phương, nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội nói: "Tôi muốn ghen tị với các cơ quan hành chính quá, trà rượu vui vẻ còn dài mà bên tôi thì bù đầu, tối mắt phục vụ du xuân."
Các trường học bắt đầu vào quy củ. Sau một vài câu chúc Tết, các thầy, cô giáo lại giảng bài say sưa. Cho dù sự tiếp thu của học trò còn đang... có hạn. Cô giáo Nga (Quận Đống Đa-Hà Nội) nói: "Nghề giáo sau Tết vất vả hơn nhiều. Vừa phải lo giữ nề nếp học lại phải nhanh chóng 'khôi phục' những chệch choạc giờ giấc, rơi vãi kiến thức của học trò dịp Tết!”
Một số nạn "hậu" Tết Nguyên Đán ở công sở
Thứ nhất, kiểu mừng tuổi tù mù… Chị Nhung ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Ai cũng có con, không ít cơ quan các bà các chị như 'trao đổi' bao lì xì. Vấn đề ở chỗ có người nghĩ mừng tuổi trẻ con lấy may đầu năm nên mừng một hai chục nghìn đồng, nhưng về nhà lại thấy phong bao đồng nghiệp gửi cho con mình gấp hàng chục lần ngại không biết để đâu cho hết.
Đó là chưa kể hàng loạt phong bao đỏ cùng đưa nhau, nào ai biết của ai. Người chuẩn bị mệnh giá lớn hàng loạt sẽ rất tốn kém, đem về toàn tiền lẻ, dù không tiếc tiền mà vẫn hơi hẫng.
Thứ hai, nạn thăm nhà, ăn lẩu quay vòng. Việc này không hiếm ở một số phòng ban. Một người mời anh chị em trong cơ quan về nhà chơi và tiện ăn một bữa lẩu nhanh, thế rồi nối nhau ăn vòng quanh như “trả nợ miệng” ở quê thuở nào. Cơ quan vài chục người thì ít ra cũng hơn chục lượt đến nhà nhau. Chuyện công việc nhắc đến giữa lúc liên hoan ăn uống nghe kỳ kỳ. Thế là từ quan hệ đồng nghiệp thành quan hệ ẩm thực hội làng.
Có nhà thích hợp, có nhà không dễ tổ chức ăn uống rầm rộ nhưng lẽ nào lại chỉ biết đi ăn ở nhà đồng nghiệp. Nhiều gia đình bố mẹ vì thế cứ đi liên hoan liên miên. Con cái vừa ăn Tết luôn no căng, sau Tết lại mì ăn liền, phở đầu phố…
Thứ ba, nạn karaoke "hội đồng" có đông người nhiều thế hệ cùng tham gia. Đi hát mà đợi đến lượt mãi không xong. Mấy ngày này, bất cứ điểm kinh doanh karaoke nào cũng kín phòng. Toàn các cơ quan đổ về đông đúc. Chị Lan, nhân viên văn phòng của một công ty thương mại than: "Chả mấy khi kéo đông người đi hát như sau Tết. Cánh trẻ đợi mãi vẫn thấy 'hò ơ' chưa đến bài của mình, cánh cao tuổi thì bực bõ với những lời yêu sống sượng…"
Chắc có một tâm trạng giục giã muốn công việc được “chạy” mà NSƯT - Đạo diễn Đào Bá Sơn đã nhắn tin kèm nụ cười vui vẻ đến đồng nghiệp và người thân: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Tết đã qua 6 ngày. Tết đã đi xa, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường.”
Với nhiều người, Tết vui thật nhưng không thể kéo dài mãi… Mong sao công sở, cơ quan, xí nghiệp vào việc nhanh hơn để trật tự và hiệu quả được tạo lập "thuận chèo mát mái" ngay từ đầu xuân mới./.
Kẻ lãng đãng, người căng thẳng...
Anh Long ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) nói: “Đến nhiều cơ quan dễ thấy vẻ rạng ngời vui chơi chứ chưa thực sự… chí thú công việc. Mấy ngày đầu đi làm, nhiều người như không chịu để không khí Tết qua đi, người ta mừng tuổi, chúc tụng triền miên. Cánh các bà các chị 'cắt tám tiếng vàng ngọc' rất nhẹ nhàng để đi chúc Tết, đi lễ đền, chùa.”
“Mặt mọi người ai cũng như có chút men rượu. Chí ít cũng là rượu vang. Công sở vẫn từ từ thủng thẳng chứ chưa trở lại không khí làm việc. Vui thì vui nhưng công việc ít nhiều bị ảnh hưởng," anh Long nói thêm.
Khi nhà báo gọi điện đến một số nơi xin phỏng vấn toàn gặp lời chúc Tết khỏa lấp và cái hẹn hoãn rất xa. Đành dùng chiêu 'đột nhập' đến vài cơ quan thường lấy tin, thì thấy đâu cũng 'ấm áp tình đồng nghiệp,' nhà báo như người thừa... đành xin kiếu. Nếu đến ba nơi, uống ba ly rượu vang đầy mừng xuân thì về tòa soạn có thể gục ngáy nhè nhẹ trên mặt bàn!
Chị Phương, nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội nói: "Tôi muốn ghen tị với các cơ quan hành chính quá, trà rượu vui vẻ còn dài mà bên tôi thì bù đầu, tối mắt phục vụ du xuân."
Các trường học bắt đầu vào quy củ. Sau một vài câu chúc Tết, các thầy, cô giáo lại giảng bài say sưa. Cho dù sự tiếp thu của học trò còn đang... có hạn. Cô giáo Nga (Quận Đống Đa-Hà Nội) nói: "Nghề giáo sau Tết vất vả hơn nhiều. Vừa phải lo giữ nề nếp học lại phải nhanh chóng 'khôi phục' những chệch choạc giờ giấc, rơi vãi kiến thức của học trò dịp Tết!”
Một số nạn "hậu" Tết Nguyên Đán ở công sở
Thứ nhất, kiểu mừng tuổi tù mù… Chị Nhung ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Ai cũng có con, không ít cơ quan các bà các chị như 'trao đổi' bao lì xì. Vấn đề ở chỗ có người nghĩ mừng tuổi trẻ con lấy may đầu năm nên mừng một hai chục nghìn đồng, nhưng về nhà lại thấy phong bao đồng nghiệp gửi cho con mình gấp hàng chục lần ngại không biết để đâu cho hết.
Đó là chưa kể hàng loạt phong bao đỏ cùng đưa nhau, nào ai biết của ai. Người chuẩn bị mệnh giá lớn hàng loạt sẽ rất tốn kém, đem về toàn tiền lẻ, dù không tiếc tiền mà vẫn hơi hẫng.
Thứ hai, nạn thăm nhà, ăn lẩu quay vòng. Việc này không hiếm ở một số phòng ban. Một người mời anh chị em trong cơ quan về nhà chơi và tiện ăn một bữa lẩu nhanh, thế rồi nối nhau ăn vòng quanh như “trả nợ miệng” ở quê thuở nào. Cơ quan vài chục người thì ít ra cũng hơn chục lượt đến nhà nhau. Chuyện công việc nhắc đến giữa lúc liên hoan ăn uống nghe kỳ kỳ. Thế là từ quan hệ đồng nghiệp thành quan hệ ẩm thực hội làng.
Có nhà thích hợp, có nhà không dễ tổ chức ăn uống rầm rộ nhưng lẽ nào lại chỉ biết đi ăn ở nhà đồng nghiệp. Nhiều gia đình bố mẹ vì thế cứ đi liên hoan liên miên. Con cái vừa ăn Tết luôn no căng, sau Tết lại mì ăn liền, phở đầu phố…
Thứ ba, nạn karaoke "hội đồng" có đông người nhiều thế hệ cùng tham gia. Đi hát mà đợi đến lượt mãi không xong. Mấy ngày này, bất cứ điểm kinh doanh karaoke nào cũng kín phòng. Toàn các cơ quan đổ về đông đúc. Chị Lan, nhân viên văn phòng của một công ty thương mại than: "Chả mấy khi kéo đông người đi hát như sau Tết. Cánh trẻ đợi mãi vẫn thấy 'hò ơ' chưa đến bài của mình, cánh cao tuổi thì bực bõ với những lời yêu sống sượng…"
Chắc có một tâm trạng giục giã muốn công việc được “chạy” mà NSƯT - Đạo diễn Đào Bá Sơn đã nhắn tin kèm nụ cười vui vẻ đến đồng nghiệp và người thân: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Tết đã qua 6 ngày. Tết đã đi xa, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường.”
Với nhiều người, Tết vui thật nhưng không thể kéo dài mãi… Mong sao công sở, cơ quan, xí nghiệp vào việc nhanh hơn để trật tự và hiệu quả được tạo lập "thuận chèo mát mái" ngay từ đầu xuân mới./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)