UBTVQH: Cần có chế tài mạnh mẽ hơn về việc "đấu giá bỏ cọc"

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay về chính sách, cần ngồi lại nghiên cứu, để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc phù hợp, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp có tiền không....
UBTVQH: Cần có chế tài mạnh mẽ hơn về việc "đấu giá bỏ cọc" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về 3 nhóm vấn đề: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; lợi dụng đấu thầu để "thổi giá đất;" xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp...

Phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về việc "đấu giá bỏ cọc"

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, tỉnh Hưng Yên, phản ánh dư luận bức xúc trước hiện tượng đấu giá đất có chuyện "bắt tay ngầm," nhà đầu tư bỏ giá trên trời rồi bỏ cọc, điển hình là vụ đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất, gây sốt đất ảo, thiết lập giá đất mới trong quá trình giải phóng mặt bằng. Từ đó, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp để xử lý thực trạng này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn có tình trạng dìm giá, "quân xanh-quân đỏ," ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản, ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, hệ lụy đặc biệt tới cả ngành ngân hàng. Về chuyện "quân xanh-quân đỏ," Bộ trưởng khẳng định phải tăng cường thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan công quyền; bởi đã có thực trạng suy thoái của cán bộ, cùng với nhà đấu giá lợi dụng việc này.

Theo Bộ trưởng, phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề "đấu giá bỏ cọc." Bên tham gia đấu giá bỏ cọc phải có chế tài xử lý mạnh để họ không tham gia được; có chế tài "đánh" vào kinh tế để đảm bảo sức răn đe.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng. Có nhiều nguyên nhân, góc độ pháp luật, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau về đấu giá, đất đai, tài chính, thuế. Do nhiều luật nên quy định đang bị thiếu hụt; một loại tài sản như đất đai không thể so với các loại tài sản khác khi đấu giá. Đất đai phải có phương pháp, trình tự đấu giá khác...

Bất cập về giá khởi điểm đấu giá đất

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tỉnh Bình Thuận, đặt vấn đề xác định giá khởi điểm đấu giá còn bất cập, có hiện tượng trục lợi. Đồng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, tỉnh Bắc Giang, chất vấn thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy có sự đầu cơ, găm hàng, trục lợi, dẫn đến sau đấu giá có nhiều khu đất bỏ hoang; đấu giá xong bỏ cọc. Cử tri cho rằng cần xác định giá khởi điểm đấu giá đất và quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của người tham gia; chế tài mạnh mẽ với người đấu giá xong đất thì bỏ.

[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ làm rõ việc hứa mua, hứa bán’ đất đai]

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay về chính sách, cần ngồi lại nghiên cứu, để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc phù hợp, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp có tiền thật hay không... Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong đấu giá đất, cần có các lực lượng tham gia, trong đó có lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá. Quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá. "Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4-5 luật, sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử," Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Công cụ thuế sẽ tác động đến giá đất

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin về vấn đề găm đất, nâng giá, Bộ đang tính toán. Có những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án thì phải dùng công cụ về thuế.

"Công cụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất bỏ đất ra. Giá đất đang cao có thể thấp xuống," Bộ trưởng nói. Trong khi đó, người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa. Do đó, Bộ trưởng cho biết, các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức sẽ được xây dựng để có giá phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, tỉnh Đắk Lắk, tranh luận muốn Bộ trưởng giải thích thêm về việc trốn thuế trong giao dịch đất đai. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định có trường hợp quyết định giao đất nhưng tiền thuế thì vẫn nợ, chưa thực hiện trách nhiệm tài chính một phần. Hoặc đất đáng lẽ giao làm dự án khu công nghiệp, nhưng găm lại không làm đất vẫn lên giá. Như vậy, chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế. Do đó, khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, nếu không làm phải tăng thuế lũy tiến để bổ sung nguồn thuế.

"Người đầu cơ đất đai cần đánh thuế cao hơn, vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội," Bộ trưởng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục