Chiều 12/10, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh rất gấp gáp, khẩn trương, Quốc hội đã có những quyết sách kịp thời, đúng đắn và chưa từng có tiền lệ như việc ban hành Nghị quyết số 43 nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn hạn chế; đến nay, có những nội dung đạt tiến độ giải ngân thấp, dẫn đến việc phát huy hiệu quả của Nghị quyết còn hạn chế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, nhóm chính sách nhằm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong lĩnh vực du lịch được ưu tiên nhiều, được ban hành tương đối đầy đủ và được thực hiện tương đối tốt; qua đó đã góp phần thúc đẩy du lịch nội địa phục hồi tốt. Tuy nhiên, một số chính sách đã ban hành nhưng chưa thực hiện được như: chính sách giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, cho người dân.
Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ngành Du lịch đã kiến nghị nhiều về các chính sách này nhưng chưa thấy có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Đối với việc đánh giá tình hình thực hiện chính sách và sử dụng 5.000 tỷ đồng của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, trong đó có 4.000 tỷ đồng đối với các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, hiện vẫn chưa ban hành được thiết kế tiêu chuẩn, suất đầu tư của các công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng như chi phí để duy trì vận hành các cơ sở này, mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Về việc hỗ trợ phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ ở các thôn, bản, ông Lê Quang Huy chỉ rõ: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông những nội dung này nhưng vẫn đang trong quá trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần cân nhắc, tạm thời chưa triển khai chương trình hỗ trợ 400.000 máy tính cho đến khi có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về hình thức học trực tuyến; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 43 của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, 5.000 tỷ đồng từ Quỹ viễn thông công ích chia thành hai nội dung: 1.000 tỷ đồng hỗ trợ máy tính bảng theo Chương trình “Máy tính bảng cho em.”
Năm 2021, khi Chương trình Quỹ viễn thông công ích được phê duyệt, Bộ đã ban hành Thông tư để triển khai thực hiện Chương trình.
[Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét 16 nhóm nội dung quan trọng]
Qua khảo sát, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin phép Chính phủ tạm dừng Chương trình này do mục đích của Chương trình không còn; hiện không còn tổ chức dạy và học trực tuyến, không sử dụng máy tính bảng.
Do đó, hai Bộ quyết định chuyển hướng sang hỗ trợ các em học sinh hộ nghèo và cận nghèo, thay vì hỗ trợ máy tính bảng sẽ hỗ trợ máy tính thông minh với 1.000 tỷ đồng này. Cùng với đó, dự tính hỗ trợ khoảng 1 triệu máy tính thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ chuyển đổi số.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ để chuyển sang hướng này. Do vậy, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép đưa 1.000 tỷ đồng này ra khỏi Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
Về hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông với 4.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, giai đoạn vừa qua, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng ở 2.164 thôn bản. Hiện còn khoảng 400 thôn bản chưa được phủ sóng; tỷ lệ phủ sóng của nước ta hiện cao hơn bình quân thế giới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long giải trình thêm về nguyên nhân chưa giải ngân được. Dự kiến thời gian tới và các năm tiếp theo sẽ cố gắng giải ngân 4.000 tỷ đồng này.
Làm rõ thêm nội dung về vốn tín dụng chính sách xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết: "Đây là nội dung thực hiện thành công. Cùng với quy mô vốn tín dụng chính sách hiện có đang giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng ta đã hỗ trợ cho hàng triệu gia đình, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thu hút số lao động bị mất việc làm ở khu vực công nghiệp, khu vực xuất khẩu lao động vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ổn định xã hội. Về nội dung hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động, theo dự toán Nghị quyết 43, chúng ta tiến hành hỗ trợ cho 4,4 triệu lao động. Các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động, sử dụng trong phạm vi kinh phí Quốc hội cho phép; tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn so với dự kiến do người lao động muốn đợi gộp 3 tháng lĩnh một lần..."
Cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Chính phủ và thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Cho đến nay, giá trị Nghị quyết 43 là rất kịp thời, đúng đắn. Có nội dung không thực hiện hoặc chưa thực hiện được hết nhưng về tổng thể, đã bổ sung một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, giúp cho kinh tế-xã hội hồi phục, phát triển nhanh sau khi kiểm soát được đại dịch.”
Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung cụ thể. Theo đó, đối với lượng vốn đến cuối năm 2023 không giải ngân hết, đề nghị Chính phủ và Ủy ban Kinh tế tính toán theo hướng: Nếu kéo dài thêm 1 năm thực hiện chính sách này, các chính sách tín dụng khác sẽ triển khai thêm được bao nhiêu? Điển hình như chính sách cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; vốn vay cho học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay cá nhân mua nhà, thuê mua nhà xã hội; cho xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi...
Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, nếu tiếp tục gia hạn thêm 1 năm đối với các chính sách này, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ giải ngân được bao nhiêu, từ đó, phần còn lại dồn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm. Ngoài ra, cần có phương án 2 là kết thúc các chương trình tín dụng trên trong năm 2023 và dành cho vốn cho vay giải quyết việc làm.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết 43, kiểm soát dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đến nay, một số mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời hạn thực hiện vẫn không đạt, hoặc đạt hiệu quả chưa cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp, từ đó chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 và xây dựng dự thảo Nghị quyết gửi cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thẩm tra, chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới./.