Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ ngày 13/5 thông báo thay đổi nhân sự cấp cao ở ngân hàng Credit Suisse sau khi hoàn tất quá trình thâu tóm và sáp nhập thành ngân hàng mới.
Theo thông báo, các nhân sự cấp cao như Giám đốc tài chính Dixit Joshi hay quan chức phụ trách mảng đầu tư David Miller sẽ rời đi.
Chỉ có 1/5 trong tổng số 160 vị trí lãnh đạo ở ngân hàng mới là những nhân sự cũ của Credit Suisse.
Cụ thể, ông Francesco de Ferrari tiếp tục giữ cương vị cố vấn cho Giám đốc mảng ngân hàng tư nhân của UBS, trong khi ông Joanne Hannaford chuyển từ vị trí Giám đốc công nghệ sang đảm nhiệm bộ phận phụ trách tài sản của UBS ở Mỹ.
Ngoài ra, ông David Wildermuth, cựu thành viên hội đồng quản trị của Credit Suisse, được chuyển sang quản lý ở ngân hàng UBS tại Mỹ, còn ông Michael Ebert sẽ phụ trách mảng đầu tư cũng tại quốc gia này.
Trong khi đó, ngân hàng UBS cũng lựa chọn ông Mihir Doshi làm Giám đốc của ngân hàng mới tại thị trường Ấn Độ.
Những động thái thay đổi nhân sự nêu trên diễn ra sau khi ngân hàng UBS thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse, cho ra đời một ngân hàng khổng lồ với tổng giá trị tài sản và nguồn vốn lên tới 1.600 tỷ USD.
Trước đó, trong một thỏa thuận giải cứu được Chính phủ Thụy Sỹ làm trung gian, UBS đã đồng ý mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,4 tỷ USD) dưới dạng cổ phiếu và chịu khoản lỗ lên tới 5 tỷ franc do việc đóng cửa một phần hoạt động kinh doanh.
Thương vụ này sẽ tạo ra một ngân hàng quản lý khối lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ USD, đưa UBS lên vị trí dẫn đầu tại các thị trường chủ chốt mà lẽ ra ngân hàng này sẽ mất nhiều năm tăng trưởng về quy mô và phạm vi hoạt động mới có thể đạt được.
Ngoài ra, thỏa thuận giải cứu cũng sẽ chấm dứt lịch sử 167 năm hoạt động của Credit Suisse, vốn bị xói mòn nghiêm trọng trong những năm gần đây.
Sau thương vụ, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận 1 cổ phiếu của UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu của Credit Suisse mà họ đang nắm giữ.
Ngân hàng mới sẽ sử dụng 120.000 nhân viên trên toàn cầu, mặc dù UBS từng thông báo sẽ cắt giảm lao động nhằm phát huy lợi thế của sự đồng bộ và nhằm cắt giảm chi phí./.