UBS dự đoán giá dầu vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm nay

UBS nhận định giá dầu toàn cầu vẫn còn dư địa tăng, đồng thời dự đoán đến cuối năm 2023, giá dầu Brent Biển Bắc sẽ chạm mức 95 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng lên 91 USD/thùng.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Acacias, phía Nam Bogota (Colombia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chiến lược gia của ngân hàng UBS nhận định giá dầu sẽ vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm nay do nhu cầu cao kỷ lục và nguồn cung ngày càng thắt chặt.

Trong một thông báo gần đây với nhà đầu tư, UBS nhận thấy giá dầu toàn cầu vẫn còn dư địa tăng, đồng thời dự đoán đến cuối năm nay, giá dầu Brent Biển Bắc sẽ chạm mức 95 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng lên 91 USD/thùng.

Giá dầu Brent đang được giao dịch ở mức chưa đến 85 USD/thùng, thấp hơn khoảng 3% so với mức cao trong năm nay ghi nhận hồi tháng Tám, trong khi giá dầu WTI đang dao động quanh mức 80 USD/thùng.

Những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, gần đây đã gây áp lực lên giá mặt hàng này.

Số liệu được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/8 đã làm gia tăng những quan ngại về đà phục hồi chậm, khi nước này bất ngờ hạ lãi suất chính sách và dừng cung cấp số liệu thất nghiệp của giới trẻ.

[Đà giảm mạnh của giá dầu thế giới vẫn chưa tới hồi kết]

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 15/8 đã hạ lãi suất với công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 2,65% xuống 2,5%. MLF là khoản vay mà PBoC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này.

Cùng ngày, PBoC cũng bơm thêm 204 tỷ nhân dân tệ (27,99 tỷ USD) vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược. Lãi suất của công cụ này cũng được giảm từ 1,9% xuống 1,8%.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới và là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ bảy toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia của UBS không cho rằng đà giảm giá của “vàng đen” sẽ kéo dài, khi lượng dầu dự trữ đang giảm xuống và nguồn cung dần thắt chặt hơn, trong bối cảnh sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đang ở gần mức thấp nhất hai năm qua.

OPEC+ đã cắt giảm sản lượng từ tháng 10 năm ngoái. Saudi Arabia gần đây còn kéo dài kế hoạch giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa đến hết tháng Chín, trong khi Nga cho biết sẽ giảm lượng dầu xuất khẩu.

Báo cáo của UBS dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chạm mức cao kỷ lục trong tháng Tám.

Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Goldman Sachs gần đây đã xác nhận lại dự đoán giá dầu Brent ở mức 93 USD/thùng và giá dầu WTI là 86 USD/thùng vào tháng 12, cho thấy thị trường dầu không quá “bi quan” về nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục