Chiều 5/12, tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, bên cạnh việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông tin làm rõ nhiều vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.
Liên quan đến việc xây dựng quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện được dự án, cần phải thực hiện quy hoạch phân lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Tuy nhiên, quy hoạch này đến nay vẫn còn vướng nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia thẩm định và nhà khoa học về việc đoạn qua sông Hồng nên để mức báo động 2 hay 3. Theo Luật Quy hoạch mới, hiện quy hoạch không thuộc thẩm quyền của hội đồng nhân dân thành phố, mà thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành phố sẽ tổng hợp thông tin để báo cáo Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải. Việc thực hiện quy hoạch 2 bên bờ sông sẽ do các tập đoàn Sun Group, Vin Group và Geleximco thực hiện. Sau khi chờ quy hoạch phân lũ của các bộ ngành, sẽ công bố lấy ý kiến người dân.
Liên quan đến vấn đề cải tạo lại chung cư cũ, ông Nguyễn Đức Chung cho biết hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.579 tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ 40 -50 năm trở lại đây. Hơn 20 năm qua, thành phố đã cải tạo được 26 chung cư cũ.
Thành phố cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư và hiện có 26 nhà đầu tư tham gia thực hiện. Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn vướng mắc về cơ chế chính sách và cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội.
Đề cập đến vấn đề cấp nước sạch, một trong những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm đặc biệt sau sự cố tại Nhà máy nước mặt sông Đà, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, để bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ người dân, thành phố đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thu gọn từ 2 đầu mối quản lý nước thành một và quy về Sở Xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch nước năm 2013 đã phê duyệt thành dạng kết cấu cung cấp nước theo mạch vòng, bảo đảm nguồn cung cấp nước thông suốt và kêu gọi đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Cho đến nay, toàn thành phố có 23 nhà đầu tư với 38 dự án, cung cấp nước sạch và mạng cung cấp nước. Theo ông Nguyễn Đức Chung, với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, sự đồng hành của các nhà đầu tư, đến nay, người dân Thủ đô đã không còn thiếu nước như những năm trước. Đến hết năm 2019, 75% người dân nông thôn được cấp nước đô thị.
Về giá nước sạch, Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm túc đúng theo các quyết định của Chính phủ đã ban hành từ năm 2013 đến nay và không có gì thay đổi. Về giá nước liên quan đến thỏa thuận với Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng, đây là giá để phục vụ cho việc lập dự án. Thành phố sẽ kiên trì với mục tiêu đẩy nhanh cấp nước sạch cho người dân, nâng cao chất lượng sống cho người dân Hà Nội.
[Bế mạc Kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV]
Liên quan đến việc xử lý ô nhiễm các sông, trong đó có sông Tô Lịch là vấn đề được người dân, cử tri, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm trong nhiều năm qua, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết chính quyền đã quan tâm, tích cực mời các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, thí điểm những công nghệ mới trên tinh thần tiết kiệm nhất, xử lý bền vững nhất.
Hiện đã có nhiều ý tưởng, phương pháp xử lý được đưa ra nhưng thành phố chưa thông qua bất cứ phương án nào. Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố đang triển khai dự án nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày/đêm, phấn đấu quý 2/2022 sẽ hoàn thành.
Khi đó, toàn bộ nước thải của quận Đống Đa, một phần nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Hà Đông sẽ được thu gom, xử lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, qua tiếp xúc đại diện các nhà ngoại giao cũng như du khách, các nhà đầu tư vẫn đánh giá Hà Nội vẫn là điểm đến an toàn. Minh chứng là trong năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công hơn 2.000 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các sự kiện.
Trong thời gian tới, thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục kiên trì phát triển xây dựng văn hóa, nếp sống người Hà Nội thanh lịch và văn minh, cũng như tiếp tục phát huy và duy trì được danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", khẳng định mục tiêu của Hà Nội về việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế./.