Ngày 5/9, Giám đốc điều hành (CEO) Uber Dara Khosrowshahi tuyên bố hãng cung cấp dịch vụ gọi xe đi chung này sẽ tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và thông tin cá nhân của họ.
Những tính năng sẽ được thêm vào ứng dụng trong thời gian tới bao gồm "Giám sát hành trình" (Ride Check), trong đó tận dụng tính năng định vị đã được tích hợp để phát hiện khi nào xe dừng đột ngột.
Nếu nghi ngờ xảy ra sự cố, lái xe và hành khách sẽ nhận được cảnh báo qua điện thoại hoặc qua nút gọi khẩn cấp đã được đưa vào sử dụng hồi đầu năm nay.
Theo ông Khosrowshahi, công nghệ này cũng cho phép gắn cờ những sai phạm trong chuyến đi ngoài những cảnh báo sự cố đe dọa an toàn của hành khách.
Ví dụ, nếu xe phải dừng đột ngột và trong một thời gian dài, cả lái xe và hành khách sẽ nhận được cảnh báo Ride Check để yêu cầu báo cáo tình hình có ổn không.
CEO Khosrowshahi cho biết Uber cũng sẽ bỏ việc ghi lại điểm đón và trả khách trong lịch sử chuyến đi, chỉ lưu lại những địa điểm chung chung nhằm tránh tạo cơ sở dữ liệu về các địa điểm nhạy cảm như địa chỉ nhà riêng.
[Tập đoàn Uber của Mỹ tiếp tục thua lỗ lớn trong quý 2]
Uber cũng triển khai tính năng cho phép lái xe và hành khách liên lạc với nhau thông qua ứng dụng mà không lộ số điện thoại của người đi xe.
Hành khách có thể yêu cầu đón tại các nút giao thông thay vì những địa điểm cụ thể.
Uber, hiện hoạt động tại 65 quốc gia, từng gây tranh cãi trong ngành giao thông ở nhiều nước bất chấp những rào cản pháp lý và sự phản đối của nhiều hãng taxi sở tại.
Uber đưa ra chính sách đảm bảo an toàn cho khách hàng trong bối cảnh hãng taxi công nghệ này đang lên kế hoạch cho việc phát hành chứng khoán lần đầu tiên ra thị trường vào cuối năm sau.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, vụ việc thông tin khách hàng Uber bị đánh cắp đã lộ ra sau 1 năm được hãng này giấu kín.
Tin tặc đã phá vỡ "tường lửa," đột nhập hệ thống máy chủ của Uber và đánh cắp những dữ liệu bao gồm tên, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của 57 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Uber trên toàn thế giới, cùng với tên và thông tin bằng lái xe của khoảng 600.000 tài xế Uber.
Theo một nguồn tin nội bộ, Uber đã phải trả cho tin tặc 100.000 USD để xóa bỏ các dữ liệu đánh cắp nói trên, đồng thời tìm cách giấu giếm vụ việc và không đưa ra cảnh báo với những khách hàng của Uber.
Vụ bê bối che giấu việc tin tặc đánh cắp thông tin đã ảnh hưởng ít nhiều đến nỗ lực mở rộng thị trường kinh doanh của Uber trong bối cảnh taxi truyền thống và các hãng cung cấp dịch vụ đi xe đang cạnh tranh khốc liệt./.