Liên quan đến việc hàng trăm xe ôtô tập trung tại văn phòng Uber, Grab Hà Nội phản đối việc hãng đơn phương nâng mức chiết khấu, chiều 16/1, đại diện phía Uber, Grab cho biết hiện doanh nghiệp vẫn chưa có thông tin gì để trả lời về vấn đề này và từ chối trả lời mọi câu hỏi của phóng viên.
Trước đó, ngày 15/1, tại Hà Nội, hàng trăm tài xế Uber, Grab đã đình công đòi giảm chiết khấu với lý do mức chiết khấu mà Uber, Grab đưa ra quá cao không phù hợp với thu nhập thực tế.
Theo các tài xế, cần phải hạ mức chiết khấu 28,375% của Uber và 28,36% của Grab xuống 15%.
Các lái xe đã tụ tập trước trụ sở của công ty Grab và Uber Việt Nam, nhiều tài xế đã đồng loạt tắt ứng dụng để phản đối việc nâng mức chiết khấu.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Giao thông Vận tải Toàn Cầu, một đối tác của Grab, với tư cách là đại diện hợp tác xã có các lái xe GrabCar là thành viên, đã đưa ra đề xuất phía Grab cần xem xét, áp dụng chế độ giảm trừ gia cảnh cho các lái xe. Từ đó sẽ giảm mức thuế và giảm mức chiết khấu áp dụng.
Theo ông Tuấn, ở các ngành nghề khác, người lao động đều được xem xét chế độ giảm trừ gia cảnh, kể cả người lao động của công ty Grab. Nhưng thành viên là người lao động của hợp tác xã thì chưa được Grab quan tâm giảm trừ gia cảnh.
Theo ông Tuấn, nếu phía Grab không giảm mức chiết khấu theo đề nghị của các thành viên, hợp tác xã sẽ họp thành viên và cùng các hợp tác xã khác, để từ đó xem xét những bước tiếp theo.
Việc các lái xe đình công như vậy làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã cũng như tới chính doanh thu của lái xe. Theo phản ánh của một số lái xe, đa số lái xe Grab đều mua xe trả góp, ngoài việc chăm lo cho cuộc sống gia đình còn phải gánh khoản nợ ngân hàng. Nếu Grab vẫn tăng chiết khấu cao như vậy, họ sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể trả nợ ngân hàng và có nguy cơ mất xe.
[‘Grab, Uber không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng?’]
Anh Hoàng Đức Thịnh đã ba năm lái cho Grab cho rằng sau một thời gian “thả” bây giờ là thời điểm Grab bắt đầu “thu” lại, lái xe Grab sẽ không còn thuận lợi như trước, thu nhập sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, theo anh Thịnh, việc nâng mức chiết khấu chỉ áp dụng đối với những xe mới ra nhập Grab nên những lái xe này sẽ bị ảnh hưởng, còn những lái xe Grab lâu năm như anh thì không bị ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Khương Dũng gia nhập Grab khi doanh nghiệp đã nâng mức chiết khấu thì cho rằng việc gia nhập Grab là do lái xe lựa chọn và khi ký hợp đồng nếu chấp nhận được thì hãy tham gia. “Lái xe Grab cũng như đi câu, gặp cung đường vắng khách thì “đói’ nhưng nhiều lúc chạy liên tục, không đủ sức mà chạy, chỉ mong Grab có mức chiết khấu hợp lý để anh em lái xe yên tâm làm việc,” anh Dũng chia sẻ.
Cùng với việc nâng mức chiết khấu, việc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động vào giờ cao điểm ở 13 tuyến phố trung tâm gồm Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng đã gây khó khăn cho hoạt động của Uber, Grab. Đây cũng là điều mà những lái xe Uber, Grab lo lắng sẽ không đảm bảo được doanh thu.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ Uber, Grab trên 13 tuyến phố bị cấm hoạt động trong khung giờ cao điểm sẽ bắt đầu được thực hiện sau ngày 20/1./.