Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng có bài đăng về vấn đề tại sao Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại vượt qua được Mùa Xuân Arab mà không hề hấn gì? Bởi đất nước họ có một hệ thống thuế và an sinh xã hội ưu tiên cho các công dân của họ.
Còn tại Hong Kong, có một nhận thức chung là các chính sách ở đây chỉ mang lại lợi ích cho các tài phiệt, người nhập cư, tất cả… trừ người dân Hong Kong.
Hong Kong đã thất bại trong việc thu hẹp sự chênh lệch giàu nghèo. Một báo cáo năm 2018 cho biết những trái ngọt từ sự tăng trưởng kinh tế đã không đến được với những người nghèo; còn những người giàu thì vẫn ngày càng giàu thêm.
Gần 210.000 người vẫn đang sống trong những căn hộ bị chia nhỏ thành nhiều gian, và mặc dù hầu hết người dân đều có công ăn việc làm, nhưng 920.000 công nhân vẫn ở trong tình trạng nghèo túng.
Các con số chính thức trong tháng 12 này đã tiết lộ rằng trong năm 2018, có hơn 1,4 triệu dân, hay nói cách khác là cứ 5 người Hong Kong thì có 1 người đang phải sống dưới ngưỡng nghèo đói, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Để cải thiện tình trạng này, có lẽ chúng ta nên nhìn vào những chính sách đang được thực thi ở các nơi trên thế giới.
Lấy UAE làm ví dụ. Những tòa nhà chọc trời và sự giàu sang của 7 tiểu vương hình thành nên UAE, trong đó có Dubai, một trung tâm thương mại thế giới, đang che giấu một sự bất bình đẳng. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng nhân vật giàu số 1 UAE hiện sở hữu tới 51% tài sản tại toàn bộ đất nước này.
Thế nhưng, khác với Hong Kong, UAE đã lành lặn trải qua Mùa Xuân Arab và làn sóng bất ổn xã hội nổ ra tại Trung Đông vào năm 2011. Sự gắn kết xã hội được củng cố nhờ hệ thống an sinh và thuế của UAE, vốn chứng kiến sự gia tăng khối gia sản của tầng lớp trung lưu.
Người dân không phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân nào. Thay vào đó, các loại thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng với các công ty dầu mỏ và ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, chỉ có những công dân gốc UAE mới được quyền hưởng các lợi ích từ hệ thống an sinh, và những người này bị giới hạn trong khoảng một triệu người có tổ tiên từng sống trong 7 vùng lãnh thổ cấu thành nên vương quốc từ trước năm 1925.
Mặc dù có sự khác biệt này, song các con số cho thấy cả người dân UAE lẫn những người có quốc tịch nước ngoài đều được hưởng lợi.
Theo các con số mà chính phủ Dubai công bố năm 2016, thu nhập bình quân hàng tháng của một gia đình người gốc UAE là 72.241 dirham (tương đương 19.600 USD), trong khi thu nhập đó của một gia đình không có quốc tịch UAE là 28.116 dirham (khoảng 7.600 USD).
Tại Hong Kong, thu nhập hộ gia đình bình quân hàng tháng vào khoảng 28.000 đô la Hong Kong (HKD), tương đương 3.600 USD (năm 2018), bằng một nửa thu nhập của một hộ gia đình không có quốc tịch UAE.
Tại UAE, độ tuổi về hưu của người UAE là 49, còn những người không có quốc tịch UAE là 60. Khi một người mẹ người UAE làm việc được 15 năm, bà ấy có thể về hưu, bắt đầu hưởng những quyền lợi và được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình mình.
Và mặc dù không có độ tuổi về hưu chính thức ở Hong Kong thì theo ước lượng mới đây, con số này là hơn 60.
Tuy nhiên, với mỗi chính sách, không có gì là hoàn hảo cả. Dubai đã phải trải qua những khó khăn tài chính vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến thị trường bất động sản bị sụp đổ. Chính Abu Dhabi, thủ đô giàu dầu mỏ của UAE, đã giải cứu của Dubai.
Thêm vào đó, mặc dù giá nhà đã giảm ở phân khúc xa xỉ trên thị trường, Dubai, giống như Hong Kong, vẫn phải hứng chịu tình trạng thiếu nhà ở giá phải chăng.
Hầu hết tài sản ở UAE đều được sinh ra từ những lao động nhập cư, những người chiếm tới 90% dân số. Họ có khoảng 8 triệu người, nhỉnh hơn dân số Hong Kong một chút. Thu nhập bình quân hàng tháng của một lao động nhập cư tại UAE chỉ rơi vào khoảng 360 USD.
Một sự khác biệt then chốt là chính phủ UAE ưu tiên cho sự an sinh của người dân UAE bằng cách trả lương thấp cho các lao động nhập cư, những người được cho là tự nguyện đến UAE để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn những gì mà quê hương họ có thể mang lại.
Mặt khác, có một nhận thức chung tại Hong Kong là các chính sách hiện nay chỉ sinh lợi cho các tầng lớp tinh hoa, các tài phiệt, người nhập cư và khách du lịch- tất cả, trừ… người Hong Kong.
Thậm chí khi một chính sách được đặc biệt nhắm vào mục tiêu mang lại lợi ích cho người Hong Kong, thì chính sách này sẽ thất bại.
Thí dụ, khi chính sách “Nhà của Hong Kong dành cho người Hong Kong” được đề ra vào năm 2010 để tăng cường nhà ở giá phải chăng cho người Hong Kong, nó cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung nhà ở, đồng nghĩa với việc những người không phải là dân Hong Kong cũng được phép mua số lượng lớn nhà trong kho nhà ở tại thị trường thứ cấp. Giá nhà ở đã tăng lên những mức cao lịch sử hồi đầu năm nay.
Rốt cuộc, việc áp dụng những chính sách hiệu quả đặt người dân Hong Kong ở vị trí ưu tiên hàng đầu là điều mà người dân Hong Kong mong muốn. Tuy nhiên, các chính sách khác nhau sẽ kéo theo một loạt vấn đề khác nhau: Chúng ta có nên cẩn trọng với những gì chúng ta đang hy vọng?”./.