Ngày 25/8, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar al-Gargash đã chỉ trích quyết định của Qatar đưa đại sứ nước này trở lại Iran cũng như lập trường "nước đôi" của Doha trong quan hệ với Yemen và Iran.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Gargash cho rằng Qatar viện vào việc khôi phục thương mại với Iran để biện minh cho quyết định của mình mà quên rằng các lợi ích then chốt của Tehran tại vùng Vịnh đều nằm ở các mỏ khí đốt tự nhiên của Qatar.
[UAE chỉ trích quyết định đưa đại sứ trở lại Iran của Qatar]
Trước đó ngày 23/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Qatar thông báo đại sứ nước này tại Iran sẽ trở lại Tehran sau khi được rút về nước hồi tháng 1/2016.
Theo tuyên bố của Văn phòng Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Qatar, đại sứ nước này sẽ trở lại Iran để nối lại các nhiệm vụ ngoại giao."
Tuyên bố còn nhấn mạnh Doha muốn tăng cường quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Bộ Ngoại giao Qatar không cho biết thời gian cụ thể nối lại hoạt động của phái đoàn ngoại giao của nước này tại Iran, song theo đánh giá của giới quan sát, động thái mới nhất của Doha có thể làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vốn vẫn đang ở thế bế tác hiện nay.
Qatar đã rút đại sứ khỏi Iran từ tháng 1/2016, sau khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran với cáo buộc không bảo vệ đại sứ quán của nước này tại thủ đô Tehran cũng như lãnh sự quán tại Mashahd trước những người biểu tình bạo động.
Một loạt quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu ngày 5/6 vừa qua đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar cả về đường không, đường bộ và đường biển, với cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực.
Nhóm bốn nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar; trong đó có việc yêu cầu quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.
Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách này, cho rằng yêu cầu của các nước Arab vi phạm chủ quyền của Doha.
Xung đột ngoại giao tới nay vẫn chưa có lối thoát sau hai tháng rưỡi bùng phát, trong bối cảnh các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ./.