Theo hãng thông tấn WAM, ngày 1/12, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Bệnh nhân là một phụ nữ tới UAE từ một quốc gia châu Phi và quá cảnh ở một nước Arab. Người này đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19. Giới chức y tế UAE đã cách ly người này cũng như những người có tiếp xúc với bệnh nhân.
Như vậy, UAE là quốc gia Vùng Vịnh thứ hai ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron sau khi Saudi Arabia trước đó cùng ngày thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới này.
Tuần trước, UAE đã ngừng tiếp nhận du khách đến từ Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Botswana và Mozambique nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập. Cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Anh, Áo và Bồ Đào Nha.
[PAHO cảnh báo về khả năng lây lan của biến thể Omicron tại châu Mỹ]
Cùng ngày, giới chức Nam Phi cho biết trong những ngày gần đây, biến thể Omicron đã làm tăng mạnh số ca mắc COVID-19 ở nước này và gọi tình hình dịch bệnh hiện này là "đáng lo ngại."
Theo bà Michelle Groome, quan chức của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi (NICD), trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng mạnh, từ mức trung bình theo tuần là khoảng 300 ca mắc mới/ngày lên tới 1.000 ca/ngày trong tuần trước và lên tới gần 3.500 ca/ngày trong tuần gần đây nhất. Bà Groome nhấn mạnh mức độ gia tăng số ca nhiễm này là đáng lo ngại.
Trong thông báo cập nhật tối 1/12, NICD cho biết Nam Phi ghi nhận thêm 8.561 ca mắc mới trên toàn quốc trong 24 giờ qua, tăng so với gần 4.400 ca ngày của 30/12 và 2.300 ca trong ngày 29/11.Theo bà Groome, những con số này báo hiệu "giai đoạn đầu của làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4" ở nước này.
Nam Phi là quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể Omicron và đã thông báo ca đầu tiên nhiễm biến thể này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 25/11./.