U21 An Giang vào chung kết: Phượng hoàng đã hồi sinh

Chiến thắng 1-0 trước U21 Bình Định giúp U21 An Giang giành vé vào chung kết giải U21 quốc gia 2015. Một năm sau ngày Hùng Vương An Giang xuống hạng, bóng đá An Giang đang có sự trở lại mạnh mẽ.
Chiến thắng trước Bình Định đã đưa U21 An Giang (áo trắng) tới trận chung kết giải U21 quốc gia 2015. (Ảnh: VFF)

Ngày 29/10, chiến thắng 1-0 trước U21 Bình Định giúp U21 An Giang giành vé vào chung kết giải U21 quốc gia 2015. Một năm sau ngày Hùng Vương An Giang xuống hạng, bóng đá An Giang đang có sự trở lại mạnh mẽ.

Đội bóng của huấn luyện viên Trần Ngọc Thái Tuấn kết thúc chiến dịch trong mơ ở vòng bảng giải U21 quốc gia với 7/9 điểm tuyệt đối. U21 An Giang đánh bại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế để giành trọn 6 điểm sau hai lượt trận đầu tiên. Họ dẫn trước U21 Hoàng Anh Gia Lai trong suốt thời gian thi đấu chính thức trước khi để đối thủ gỡ hòa ở phút 90+3.

Lưu ý, lực lượng của U21 An Giang có nòng cốt là các cầu thủ trong độ tuổi U19 vừa dự giải Hạng Ba mùa trước. Đối thủ họ đã đánh bại là Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế - có những cầu thủ vừa dự giải Hạng Nhất, và Hoàng Anh Gia Lai với phân nửa lớn đội hình sở hữu kinh nghiệm V-League.

Quan trọng hơn, kỳ tích ấy sản sinh trong bối cảnh bóng đá An Giang vừa trải qua cuộc “bể dâu” lớn ở mùa giải trước. V-League 2014 kết thúc, Hùng Vương An Giang xuống hạng trước khi bị giải thể. Bóng đá An Giang bị đẩy xuống Hạng Ba, doanh nghiệp Hùng Vương rút lui, đội chuyên nghiệp không còn tồn tại, các cầu thủ giỏi ra đi. Người An Giang phải làm lại bóng đá từ con số không.

Một năm trước, An Giang suýt biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam sau sự kiện đội V-League Hùng Vương An Giang giải thể. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Từ tháng 9/2014 tới tháng 10/2015 là khoảng thời gian không dài nhưng đầy khó khăn và biến cố với bóng đá An Giang. Đấy là thời điểm những người làm bóng đá An Giang đứng trước sự lựa chọn khó khăn: có hay không tiếp tục duy trì các đội trẻ và hướng tới những mục tiêu xa hơn?

Trong cuộc gặp với phóng viên VietnamPlus một năm trước, Giám đốc Võ Hoàng Phong của Trung tâm bóng đá An Giang thừa nhận: “Tôi mệt mỏi rồi”. Trước đó, huấn luyện viên trưởng đội một, người hùng của bóng đá An Giang Nhan Thiện Nhân đã xin từ chức. Doanh nghiệp Hùng Vương rút lui khiến Trung tâm bóng đá An Giang, phải gánh toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ từ gồm U13, U15, U17, U19 và U21. Tất cả phải thực hiện bằng nguồn ngân sách hạn chế của nhà nước.

Đó là lúc các huấn luyện viên của trung tâm cùng ngồi lại và quyết định họ sẽ tiếp tục xây dựng bóng đá An Giang. Huấn luyện viên trưởng U21 An Giang Trần Ngọc Thái Tuấn kể lại: “Có hay không có công ty Hùng Vương, Trung tâm này vẫn làm công tác đào tạo bóng đá trẻ từ U13 tới U19. An Giang không còn thi đấu đỉnh cao không có nghĩa là chúng tôi sẽ từ bỏ bóng đá đỉnh cao. An Giang sẽ làm lại, chúng tôi sẽ lại trở về với bóng đá đỉnh cao bằng một cách làm khác.”

Một năm là quãng thời gian khó khăn và nhiều thử thách về mọi mặt của bóng đá An Giang. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Một năm trở lại của bóng đá An Giang bắt đầu từ đây. Cuộc họp ngày 9/9/2014 với sự tham gia của lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo doanh nghiệp Hùng Vương, lãnh đạo đội bóng và Trung tâm bóng đá An Giang đã ra thông báo số 3041 khẳng định quyết tâm xây dựng lại bóng đá An Giang. Lãnh đạo tỉnh cũng mời cựu huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Việt Nam Trần Ngọc Thái Tuấn về làm “kiến trúc sư” trưởng cho hành trình tái xuất của An Giang. Đội bóng miền Tây lấy định hướng trở lại V-League trong 3 tới 5 năm.

Tháng Năm vừa qua, Đại hội Đồng bằng sông Cửu Long đánh dấu bước tiến đầu tiên của An Giang khi đội bóng địa phương giành huy chương vàng nội dung bóng đá. Ông Tuấn xúc động: “Đó cũng là giải đấu đánh dấu sự trở lại của An Giang, là nguồn động viên chúng tôi ở vòng chung kết U21 này”.

Kể từ vòng loại hồi tháng Mười tới nay, U21 An Giang đã chơi tổng cộng 8 trận tại vòng loại và vòng chung kết, thắng 5, hòa 3, chưa phải nhận bất kỳ một thất bại nào. Cùng với U21 Hà Nội T&T, đây là hai cái tên hiếm hoi trong danh sách 21 đội dự giải U21 năm nay còn giữ được thành tích bất bại.

Quyết định duy trì hệ thống đào tạo trẻ là nền tảng đầu tiên cho ngày trở về của bóng đá An Giang. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Họ nhiều khả năng cũng sẽ là hai cái tên có mặt ở trận chung kết diễn ra hôm 1/11 tới. Đó sẽ là cuộc đối đầu giữa đoàn quân trẻ của Á quân V-League với đối thủ tới từ giải Hạng Ba, là một giấc mơ trở thành sự thật của bóng đá An Giang.

Dù kết quả trên sân Thống Nhất có là thế nào, An Giang cũng có quyền tự hào. Từ đống tro tàn, phượng hoàng đã hồi sinh trở lại./.

Bài học từ mô hình An Giang

Nếu nền bóng đá là một cái cây thì đỉnh là đội tuyển quốc gia, gốc rễ là hệ thống đào tạo trẻ và giải quốc nội. Gốc rễ mạnh thì đỉnh mới vươn xa. Và ngược lại.

Theo nguyên tắc ấy, mô hình bóng đá trẻ An Giang là một ngoại lệ. Đội chuyên nghiệp của An Giang còn đang vật lộn ở giải Hạng Ba nhưng đội trẻ của họ đã vào tới chung kết giải U21 quốc gia, đá thắng cả những đối thủ ở trình độ V-League và Hạng Nhất. Chất lượng đội một An Giang không hề phản ánh đúng trình độ lò đào tạo trẻ của họ.

Một câu chuyện tương tự khác là Hải Dương. Giải Nhi đồng toàn quốc 2015 (cho lứa U11 và U13), Gia Bảo Hải Dương lên ngôi vô địch. Năm 2014, U13 Hải Dương cũng vào tới trận chung kết. So với một số địa phương khác có đội dự V-League, Hải Dương làm bóng đá cộng đồng thiếu nhi tốt hơn hẳn. Nhưng địa phương này thậm chí không có các đội từ U15 trở lên, bóng đá Hải Dương cũng đã xa rời đỉnh cao từ rất lâu.

Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý cần phải có những biện pháp để tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực quý giá mà những địa phương như An Giang và Hải Dương đang tạo ra. Nên nhớ, trong đội hình khóa I lò JMG của Hoàng Anh Gia Lai, có ít nhất hai cầu thủ trưởng thành từ Hải Dương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục