Tỷ suất sinh trung bình tại Đồng Nai ở mức thấp, dưới mức thay thế

Có đến 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Miền Trung. Tỉnh Đồng Nai thuộc nhóm tỉnh có mức sinh thấp. 

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, mức sinh giữa các vùng, miền trong cả nước đang có sự chênh lệch đáng kể. Có đến 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Miền Trung. Tỉnh Đồng Nai cũng thuộc nhóm tỉnh, thành có mức sinh thấp.

Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, theo Cục Dân số (Bộ Y tế), một điều đáng lo ngại hiện nay là mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Đáng lưu ý khi xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Theo vùng kinh tế-xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2024, dân số toàn tỉnh hơn 3,3 triệu người, có hơn 32.600 trẻ em mới sinh. Tỷ suất sinh thô là 10,16 phần nghìn, giảm 0,59 điểm phần nghìn so với năm 2023. Số con trung bình của phụ nữ đạt 1,52 con/người, dưới mức sinh thay thế-mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.

Năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh ở Đồng Nai là 107,9 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi là khoảng 16%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên khoảng 9,6%. Tuổi thọ bình quân của người dân Đồng Nai đạt 76 tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Theo báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 137/NQ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ về "thực hiện công tác dân số trong tình hình mới" năm 2024, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch và ngân sách của cơ quan, đơn vị để triển khai nhiệm vụ dân số trong tình hình mới. Đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi do mức hỗ trợ thấp (350.000 đồng/người/tháng).

Đặc biệt, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên vấn đề di cư và gia tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến cơ cấu dân số, phân bố và chất lượng dân số. Ngoài ra, công tác quản lý dân cư gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung nhiều lao động.

Để thích nghi với già hóa dân số, Sở Y tế Đồng Nai đề xuất cả hệ thống chính trị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cần đưa chỉ tiêu ứng phó với già hóa dân số là chỉ tiêu trong nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện; Giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm bảo đảm và cải thiện thu nhập của người cao tuổi từ lao động và hưu trí…

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỷ suất sinh dao động quanh mức 2,1 con, đến năm 2023, chỉ còn 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Nếu thấp hơn mức này sẽ làm suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động đồng thời, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…

Nhằm duy trì mức sinh thay thế trên cả nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế để bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số. Một số khung chính sách được tập trung vào để duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam, tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để có những đề xuất phù hợp, khả thi trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục