Ngày 21/3, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã công bố một phần danh sách nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại.
Trả lời phỏng vấn trên tờ The Washington Post (Bưu điện Washington), tỷ phú Trump cho biết nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại của ông do Thượng Nghị sỹ Jeff Sessions đến từ bang Alabama đứng đầu.
Nhóm này còn có chuyên gia về khủng bố Walid Phares, chuyên gia năng lượng Carter Page, luật sư về năng lượng quốc tế Joe Schmitz, và cựu Trung tướng quân đội Keith Kellogg. Ông cũng cho biết sẽ sớm bổ sung thêm các chuyên gia vào danh sách nhóm cố vấn nhằm giúp ông định hình các chính sách đối ngoại.
Giới quan sát nhận định phần lớn nhân vật mà "ông trùm" bất động sản lựa chọn cho nhóm cố vấn của mình là những cái tên không mấy nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại hay trong giới chuyên gia.
Trong những tuần gần đây, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa đã phải chịu nhiều sức ép khi phải lựa chọn và công bố những chuyên gia cố vấn cho các vấn đề đối ngoại và an ninh.
Hiện 120 chuyên gia an ninh quốc gia của đảng Cộng hòa, vốn phục vụ trong các chính quyền tổng thống trước đó, đã đồng loạt ký vào một bức thư khẳng định sẽ không hỗ trợ ông Trump và sẽ đảm bảo ông này không giành được tấm vé đại diện cho đảng này ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Cùng ngày, ứng cử viên Trump cũng đã tham dự một hội nghị của AIPAC - nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel - thu hút nhiều nhà lãnh đạo Do Thái trên thế giới, trong đó cam kết sẽ thúc đẩy và tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ song phương nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ.
Về tiến trình hòa đàm Trung Đông, doanh nhân 69 tuổi này cho rằng Israel luôn sẵn sàng đàm phán để đạt được một thỏa thuận hòa bình, và "người Palestine cần chấp nhận rằng Israel sẽ mãi mãi tồn tại như một nhà nước Do Thái độc lập, có khả năng dập tắt các cuộc tấn công nhằm vào người dân nước này."
Liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, "ông trùm" bất động sản tuyên bố ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông sẽ là loại bỏ thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) và nước Cộng hòa Hồi giáo đã đạt được hồi tháng 7 năm ngoái, cho rằng đây là một thỏa thuận "tai hại và tồi tệ" đối với người dân Mỹ, Israel và toàn khu vực Trung Đông.
Theo giới phân tích, mặc dù không được chào đón tại hội nghị của AIPAC bởi những phát ngôn kỳ thị người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ, song những phát ngôn trên được đánh giá có thể làm hài lòng nhiều nhân vật ủng hộ Israel. Quốc gia Trung Đông này từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng đây là "sai lầm lịch sử."
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày "Siêu thứ Ba" lần 2, tỷ phú Trump đang tiến gần hơn đến việc giành được tấm vé đại diện của đảng Cộng hòa ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, nhiều nhà tài trợ cũng như các quan chức của đảng Cộng hòa đang lo ngại việc đề cử ông Trump sẽ tác động không tốt tới đảng cũng như tới các cuộc bỏ phiếu khác, như là cuộc đua vào Thượng viện và Hạ viện.
Do đó, có thể đảng này sẽ tìm mọi cách để ngăn ứng cử viên hàng đầu này trở thành ứng cử viên chính thức của mình./.