Tỷ phú Australia muốn "hồi sinh" tàu du lịch Titanic

Con tàu nổi tiếng trên thế giới Titanic sắp tới không còn chỉ được chiêm ngưỡng qua phim ảnh mà sẽ "tái xuất" trong đời thực.
Con tàu nổi tiếng thế giới Titanic sắp tới không còn chỉ được chiêm ngưỡng qua phim ảnh mà sẽ "tái xuất" trong đời thực.

Đây là một dự án đầy tham vọng của tỷ phú người Australia Clive Palmer và tàu Titanic "đệ nhị" sẽ là một bản sao thời hiện đại của con tàu yểu mệnh kết hợp cùng một số điều chỉnh thiết kế để phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn tàu biển thế kỷ 21 cũng như mang lại sự tiện dụng tối đa cho các "thượng đế."

Không thể bỏ qua một chi tiết nữa - đó là Titanic II sẽ có nhiều thuyền cứu sinh hơn "bản gốc" của nó.

Phát biểu trước báo giới tại thành phố New York, Mỹ ngày 26/2, tỷ phú Palmer cho biết Titanic II sẽ là "bản sao" đầy đủ của Titanic huyền thoại với kết cấu được phân chia theo ba khoang hạng nhất, hạng hai và hạng ba dành cho các tầng lớp giai cấp tương ứng.

Tham gia chuyến hành trình trên con tàu này, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống trên con tàu Titanic đã vào lịch sử với tư cách là thảm họa hàng hải tồi tệ nhất thế giới.

Họ sẽ được mặc trang phục theo phong cách những năm 1910 của thế kỷ trước, thưởng thức những món ăn trong thực đơn gốc và sinh hoạt tại những căn phòng đậm chất cổ xưa.

Ông Palmer cho biết để tăng tính chân thực, khách trên tàu sẽ được yêu cầu tuân thủ quy định phân biệt giai cấp đặc trưng thời đó, theo đó có sự phân biệt rạch ròi giữa hành khách của các khoang khác nhau.

Không có sự giao lưu giữa hành khách các khoang. Hành khách tại khoang thượng lưu sẽ được sống trong những căn phòng xa hoa của con tàu Titanic xa xưa, được thư giãn trong bể bơi và bồn tắm phong cách Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên vị tỷ phú này cũng cho biết ông dự định phát hành một gói vé tàu giúp hành khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của cả ba tầng lớp xã hội trong cuộc hành trình sáu ngày. Hiện giá vé cụ thể vẫn chưa được công bố.

Bên cạnh việc làm sống lại bầu không khí cổ xưa, tàu Titanic II vẫn sẽ có một số chỉnh sửa quan trọng trong thiết kế để tránh lặp lại kết cục bi thảm của "bản gốc."

Cụ thể, thân tàu rộng hơn, số cầu thang thoát hiểm nhiều hơn và một lớp sàn tàu phụ được trang bị đầy đủ thuyền cứu sinh cùng dù và cầu trượt cứu nạn.

Titanic II cũng sẽ được trang bị một số thiết bị hiện đại như hệ thống điều hòa nhiệt độ, song sẽ không có TV hay mạng Internet.

Tàu Titanic II do các kiến trúc sư và kỹ sư của Tập đoàn Deltamarin (Phần Lan) thiết kế, có chiều dài khoảng 269 mét với sức chứa 2.435 hành khách và 900 thủy thủ.

Theo kế hoạch, con tàu sẽ được đóng tại Công ty đóng tàu Trung Quốc CSC Jinling Shipyard vào cuối năm nay và hạ thủy vào năm 2016.

Sau khi rời Trung Quốc, Titanic "đệ nhị" sẽ chinh phục "chuyến hành trình định mệnh" từ thành phố Southampton, Anh tới New York. Tỷ phú Palmer từ chối tiết lộ chi phí đầu tư vào công trình này.

Tàu Titanic chạy bằng động cơ hơi nước được đóng năm 1909 và hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất thời bấy giờ, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của loài người.

Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình vào tháng 4/1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn.

Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình, là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế.

Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục