''Mức độ đa dạng hóa ngành hàng trên thị trường chứng khoán còn thấp''

''Tỷ lệ vốn huy động qua thị trường chứng khoán còn thấp''

‘Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường còn rất thấp, mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém…’
''Tỷ lệ vốn huy động qua thị trường chứng khoán còn thấp'' ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

“Hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế khá lớn trong khi lãi suất huy động của ngân hàng xuống thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh mới.”

Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương đã chia sẻ như vậy tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn-Cơ hội trong kỷ nguyên mới,” ngày 30/3.

Hàng hóa chưa phong phú

Theo ông Tú Anh, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, các hoạt động thông qua nền tảng internet và kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, sự nhận biết của người dân đối với thị trường vốn tăng nhanh. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trưởng thành, không bị phản ứng thái quá đối với các thông tin phía bên ngoài và ứng xử phù hợp với các yếu tố nền tảng căn bản. Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam hiện nay vẫn còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết để phát triển bền vững hơn.

Cụ thể, ông Tú Anh cho rằng mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu mở cửa nhưng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán còn rất thấp. Thêm vào đó, mức độ đa dạng hóa của hàng hóa trên thị trường còn kém làm cho mức biến động trên thị trường cao.

“Mỗi khi có một nhóm ngành gặp khó khăn, nhà đầu tư bán chứng khoán của ngành đó trên thị trường song để tiếp tục đầu tư vào các ngành khác thì lựa chọn rất ít. Điều này dẫn đến mức giá cổ phiếu trên thị trường có xu hướng giảm chỉ vì một vài ngành lao đốc. Ngoài ra, các chức năng tự ổn định (các thị trường phái sinh) của thị trường mới phát triển và chưa đủ để giảm thiểu các biến động trên thị trường,” ông Tú Anh chỉ ra.

Tăng trưởng từ nhà đầu tư cá nhân

Thời gian qua, thanh khoản của thị trường cổ phiếu có sự tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trong năm 2020 (trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM) đạt 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59% so với năm 2019. Trong đó, thanh khoản thị trường cổ phiếu quý 4/2020 tăng 76% so với quý 3/2020, thị trường chứng kiến nhiều phiên giao dịch với giá trị cao kỷ lục, đạt hơn 14.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, lực cầu chủ yếu được ghi nhận đến từ nhà đầu tư trong nước với số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương phát biểu:

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết nhà đầu tư trong nước mở mới trong năm 2020 lên tới 393.659 tài khoản, cao hơn nhiều so với 205.013 tài khoản mở mới trong năm 2019 (tăng 109%).

Sở dĩ có sự gia tăng nhanh chóng các nhà đầu tư mới trong thời gian qua, ông Tú Anh chỉ ra hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế đang dư thừa khá lớn, trong khi lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng lại xuống thấp. Hiện, VND lên giá làm thu hẹp các cơ hội đầu tư truyền thống khác (tiền gửi, mua ngoại tệ, đầu cơ đất…). Thứ hai, niềm tin vào các nền tảng vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục được củng cố.

“Hai nguyên nhân này đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, làm tăng số lượng nhà đầu tư mới, tăng tính thanh khoản của thị trường và quy mô giao dịch. Điều này cũng ngụ ý là khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường, các yếu tố tại tại nguyên nhân thứ nhất không còn nữa, thị trường chứng khoán có thể sẽ có khoảng chững lại," ông Tú Anh cảnh báo.

Tỷ lệ vốn huy động qua thị trường thấp

Về khối ngoại, bối cảnh thị trường tài chính-tiền tệ toàn cầu biến động mạnh trong năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ròng trên hầu hết các thị trường mới nổi (trừ thị trường Ấn Độ). Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau nhiều năm mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng của với tổng giá trị gần 18.390 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Tú Anh cho rằng mức bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp hơn nhiều so với một số thị trường trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Philippines,...

“Như vậy, việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã góp phần quan trọng chặn đà rút dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi thị trường chứng khoán trong xu hướng rút vốn ròng khỏi các thị trường mới nổi. Nhưng động thái bán ròng liên tục của khối ngoại cũng phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam còn yếu,” ông Tú Anh nói.

Từ thực tế trên cho thấy mặc dù thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2020, nhưng hoạt động huy động vốn và cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn gặp khó khăn. Trên thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch trung bình đạt 7.420 tỷ đồng/phiến và thậm chí có tháng lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, nhưng kết quả huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước chỉ đạt 23.578 tỷ đồng trong năm 2020 và giảm 69% so với năm 2019.

Để thị trường chứng khoán thực sự là kênh huy động vốn có hiệu quả, ông Tú Anh đề xuất trong giai đoạn tới, các cấp quản lý cần có các giải pháp phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức chịu đựng của thị trường trước các yếu tố bên ngoài để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.

“Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có các giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán để đa dạng hóa nguồn cung và ngành nghề trên thị trường đồng thời giảm áp lực huy động vốn qua kênh ngân hàng. Các hướng cần xem xét thực hiện, như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; triển khai Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ;  Xem xét, cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường,” ông Tú Anh nói.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận với mức sự phục hồi của nền kinh tế bên cạnh mặt bằng lãi suất duy trì thấp cùng niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình vĩ mô, các biện pháp cải cách của Chính phủ đã giúp dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán thời gian qua.

“Thị trường chứng khoán ghi nhận những bước phát triển lớn với phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn cần nhiều nỗ lực để chúng ta đạt được những mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán được nêu tại Quyết định 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,' mà một trong những mục tiêu quan trọng là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi (Emerging Markets) trước năm 2025,” bà Bình nói.

Bên cạnh đó, bà Bình khẳng định ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán gắn với phát triển bền vững, minh bạch. Trong đó một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, như tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn. Mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

“Thời gian tới, ngành sẽ tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán-thị trường vốn về dài hạn, nhằm hiện thực mục tiêu nâng hạng thị trường,” bà Bình chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục