Tỷ lệ tử vong vì omicron ở Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển?

Theo chuyên gia, nguyên nhân do tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở Mỹ còn thấp so với các quốc gia phát triển khác cộng với việc nước này gần như thiếu các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ngay từ đầu.
Tỷ lệ tử vong vì omicron ở Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển? ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 4/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ có thể sẽ chứng kiến tỷ lệ tử vong do nhiễm biến thể Omicron cao nhất trong số các quốc gia phát triển.

Đây là nhận định của Giáo sư y học phân tử Eric Topol thuộc Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) đưa ra mới đây khi dẫn một loạt dữ liệu so sánh số ca mắc mới COVID-19 và số ca tử vong mỗi ngày trên 1 triệu người ở 7 quốc gia phát triển trên thế giới.

Theo Giáo sư Topol, nguyên nhân có thể là do tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở Mỹ còn thấp so với các quốc gia phát triển khác cộng với việc nước này gần như thiếu các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ngay từ giai đoạn đầu bùng phát biến thể Delta.

[Chuyên gia Mỹ: COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm 2022]

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cảnh báo tình trạng lây lan biến thể Omicron hiện nay có thể sẽ khiến số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng cao và vượt mức đỉnh.

Tuần trước, bang Florida ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng tới 849%.

Trước đó, bang New York chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng lên mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Những con số đáng buồn ở Mỹ hoàn toàn trái ngược so với các quốc gia khác, trong đó có Nam Phi - quốc gia đầu tiên thông báo phát hiện biến thể Omicron.

Hồi tháng trước, nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Nam Phi Abdool Karim nhận định số ca nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi giảm mạnh là do hơn 70% dân số nước này từng nhiễm các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2 và mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron được đánh giá là thấp hơn so với các biến thể khác.

Theo dữ liệu của Đại học và Trung tâm Y khoa John Hopkins (Mỹ), số ca mắc mới COVID-19 ở Anh có thể đang chững lại sau khi chạm đỉnh.

Chính phủ Anh cho biết khoảng 90% dân số trên 12 tuổi ở nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 83% số này đã tiêm hai mũi, trong khi khoảng 62% dân số đã tiêm mũi tăng cường. Trái ngược với Anh, tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ thấp hơn đáng kể.

Theo dữ liệu của CDC Mỹ, khoảng 74% dân số ở Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, 62% tiêm đủ liều và chỉ 36% đã tiêm mũi tăng cường.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ đang ở mức đáng báo động, cao hơn tất cả các quốc gia khác trong danh mục theo dõi của Đại học John Hopkins.

Tính đến nay, Mỹ có hơn 800.000 ca tử vong do COVID-19, xếp sau là Brazil với hơn 600.000 ca tử vong.

Một số nhà khoa học cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ không hoàn toàn biến mất mà sẽ trở thành một bệnh đặc hữu.

Virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tồn tại, song mọi người có đủ miễn dịch sinh ra từ việc tiêm vaccine và quá trình lây nhiễm tự nhiên, do vậy virus sẽ ít có khả năng lây lan hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục