Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam còn cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến bày tỏ sự quan ngại về việc hiện nay tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến bày tỏ sự quan ngại về việc hiện nay tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn cao.

Sáng 17/10, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về phòng ngừa thai lưu và chết chu sinh 2013 tổ chức tại Hà Nội, ông Tiến cho biết, trong những năm vừa qua, ngành y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và được quốc tế ghi nhận là một trong chín nước trong khi vực đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe.

Một trong những thành tựu đó là tỷ lệ tử vong của các bà mẹ đã giảm đi nhanh chóng. Chẳng hạn như cách đây 10 năm có 233 người mẹ tử vong trong tổng số 100.000 trẻ sinh ra sống thì đến năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69/100.000 trẻ sống và Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn 58 bà mẹ tử vong/100.000 trẻ sống.

Theo ông Tiến, những năm qua tỷ lệ tử vong ở trẻ em Việt Nam đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên ngành y tế vẫn quan ngại về tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê của ngành y tế, có tới 59% trẻ em tử vong dưới 5 tuổi là trẻ sơ sinh và 3/4 trẻ em tử vong dưới 1 tuổi thuộc diện trẻ sơ sinh, nhất là tình trạng trẻ em tử vong trong 7 ngày đầu sau khi sinh còn chiếm tỷ lệ cao.

“Những vấn đề còn tồn tại đó được Đảng, nhà nước và Chính phủ rất quan tâm. Chính vì vậy, hội nghị lần này tập trung vào các vấn đề nóng, quan trọng qua đó có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nước trong quá trình phát hiện những dị tật bẩm sinh ở trẻ, về bệnh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...” ông Tiến khẳng định.

Tại hội thảo, ông Wame Baravilala – Cố vấn chương trình sức khỏe sinh sản Chương trình Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, thành tựu về chăm sóc sức khỏe sinh sản của Việt Nam trong những năm qua đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những khoảng trống giữa các vùng khác nhau. Đó là sự mất cân bằng giữa các vùng miền, các khu vực. Trẻ em ở những vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong trước 5 tuổi nhiều hơn trẻ em ở những vùng thành thị, đồng bằng.

Vì vậy, theo ông Wame Baravilala Việt Nam cần đẩy mạnh những giải pháp để “khỏa lấp” những khoảng cách đó thông qua những chiến lược can thiệp để giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh như đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, đào tạo cán bộ y tế có chuyên môn vững...

Hội nghị do viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (RaFH) phối hợp với tổ chức International Stillbirth Alliance (ISA), Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức từ ngày 16-18/10, với hơn 30 chương trình nghiên cứu của các tác giả và nhóm tác giả trong, ngoài nước trình bày.

Những vấn đề đưa ra tại hội nghị tập trung vào việc nâng cao lượng dịch vụ chăm sóc thai nghén, chăm sóc bà mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và các nước đang phát triển khác.

Bên cạnh đó, hội nghị thu hút được các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thai lưu và chết chu sinh (được tính từ tuần thứ 22 của thai nhi đến 1 tháng sau khi trẻ sinh ra), đã có hơn 40 chuyên gia đăng kí tham dự và trao đổi trong 3 ngày diễn ra hội nghị với 6 chủ đề lớn theo các mục tiêu của hội nghị như: Thực trạng thai lưu và tử vong chu sinh ở Việt Nam; Vấn đề thai chết lưu trong bối cảnh toàn cầu, khu vực; Giảm thai lưu và tử vong chu sinh; Tác động của thai chết lưu và tử vong chu sinh.../.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục