Tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới đạt 76%

Nguyên nhân khiến Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt chỉ tiêu tiêm chủng cho trẻ em là do dịch COVID-19 và tình trạng thiếu các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tỷ lệ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới đạt 76% ảnh 1Tiêm chủng vaccine cho trẻ nhỏ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 76,6%, còn thiếu 18,3% mới đạt chỉ tiêu 95% theo kế hoạch.

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết toàn Thành phố có 86.557 trẻ sinh năm 2021 cần được tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, số trẻ được tiêm đầy đủ 8 loại vaccine cơ bản chỉ 66.418 trẻ, đạt 76,6%.

Tương tự, mũi tiêm nhắc cho trẻ 18 tháng tuổi cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong số 97.052 trẻ sinh năm 2020 thì chỉ có 77.407 trẻ được tiêm mũi sởi 2 (đạt 79,4%) và 75.497 trẻ được tiêm vaccine bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) mũi 4 (đạt 77,4%).

[TP Hồ Chí Minh: Nguy cơ thiếu nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng]

Nguyên nhân khiến Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt chỉ tiêu tiêm chủng cho trẻ em được bác sỹ Lê Hồng Nga cho rằng đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng trẻ em của thành phố.

Dù năm 2022, ngành y tế đã rất nỗ lực để nâng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh cho trẻ em nhưng đến nay tỷ lệ này vẫn chưa đạt mức có thể bảo vệ cộng đồng. Đặc biệt là tình trạng thiếu các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt từ tháng 5/2022 đến nay nhưng vẫn chưa được Bộ Y tế cung ứng.

Bác sỹ Lê Hồng Nga lo ngại nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine vẫn tiếp diễn, nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ em như sởi, bạch hầu, ho gà. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là bệnh sởi, bởi theo chu kỳ dịch sởi thường 4 năm bùng phát một lần.

Lần cuối cùng xảy ra dịch sởi ở nước ta là cuối năm 2018 đầu năm 2019. Do đó, với việc thiếu vaccine sởi trong 5 tháng qua có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Cùng với tỷ lệ tiêm chủng 8 mũi vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thấp, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, qua khảo sát theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 chỉ 10%. Điều này dự báo công tác vận động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở đối tượng này sẽ rất khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục