Tỷ lệ thí sinh ảo tăng, các trường đại học đau đầu căn điểm chuẩn

Năm nay, việc tính toán điểm chuẩn mất nhiều thời gian hơn năm ngoái do tỷ lệ thí sinh ảo cao hơn. Các trường phải cân nhắc, tính toán xem mức độ ảo thế nào, nằm ở đâu.
Thí sinh làm thủ tục dự tuyển tai Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Năm nay, việc tính toán điểm chuẩn mất nhiều thời gian hơn năm ngoái do tỷ lệ thí sinh ảo cao hơn. Các trường phải cân nhắc, tính toán xem mức độ ảo thế nào, nằm ở đâu. Nếu tính không chuẩn, thừa thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu sẽ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê bình, thiếu chỉ tiêu thì trường lại phải tuyển đợt hai,” phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng truờng Đại học Bách khoa Hà Nội phân trần.

Thừa lo, thiếu cũng lo

Theo quy định của Bộ, năm nay mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển vào hai trường đại học khác nhau thay vì chỉ được đăng ký vào một trường như năm 2015.

Vì thế, nếu đủ điểm đỗ cả hai, các em sẽ chỉ chọn một trong hai trường mình đăng ký để theo học, dẫn đến hiện tượng đỗ ảo.

Để hạn chế số lượng thí sinh ảo, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng 11 trường khác đã cùng thành lập nhóm trường GX, dùng chung phần mềm tuyển sinh để lọc ảo.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tớp, trong số hơn 65.000 thí sinh đăng ký vào nhóm trường GX, chỉ có 30% thí sinh đăng ký hoàn toàn các trường trong nhóm. Có đến 70% thí sinh “chân trong, chân ngoài”, vừa đăng ký một trường trong nhóm, vừa đăng ký một trường ngoài nhóm.

“Chúng tôi chỉ lọc được ảo với các thí sinh đăng ký xét tuyển hoàn toàn trong nhóm. 70% còn lại, các trường sẽ phải cân nhắc tính toán tỷ lệ ảo,” ông Tớp chia sẻ.

Tỷ lệ ảo sẽ phụ thuộc vào thương hiệu của trường. Với những trường hàng đầu như Đại học Ngoại thương, tỷ lệ ảo là rất thấp. 

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang cân nhắc tỷ lệ ảo khoảng 15%. Ông Tớp cho biết, là trường nhóm trên nhưng trường vẫn phải “trừ hao” trường hợp thí sinh đi du học hoặc chọn các trường nhóm tương đương.

Một số trường như Đại học  Xây dựng, dù không phải trường nhóm đầu nhưng lại có tính đặc thù cao nên tỷ lệ ảo cũng được dự đoán là không quá lớn.

“Chúng tôi cũng đang ‘cân não’. Nếu tính chặt quá thì có khả năng phải tuyển đợt hai, nếu tính không chặt lại sợ thừa chỉ tiêu, sẽ bị Bộ giáo dục và Đào tạo phê bình,” ông Tớp chia sẻ.

Thí sinh xếp hàng làm thủ tục xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Đau đầu trừ ảo

Với các trường tự chủ tài chính, việc tính toán tỷ lệ ảo còn đau đầu hơn do học phí cao hơn.

Theo phó giáo sư Lê Hữu Lập, chuyên viên cao cấp của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chiều nay trường sẽ họp để quyết định điểm chuẩn.

“Năm nay đau đầu hơn nhiều so với năm ngoái. Học viện cũng là trường mạnh nhưng học phí cao. Nếu so Học viện và một trường tương đương thì thí sinh có thể sẽ không chọn Học viện. Vì thế, phải cân nhắc kỹ,” ông Lập chia sẻ.

Theo ông Lập, trường sẽ phải ngồi tính toán từng trường hợp. Nếu thí sinh điểm khá cao, đăng ký cả Học viện và một trường khác có thương hiệu cao hơn hoặc ngang hàng, thậm chí thấp hơn một chút, thì phải trừ ảo những thí sinh đó. Số còn lại, trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.

Cũng theo phó giáo sư Lê Hữu Lập, so với thời kỳ xét tuyển đại học theo hình thức thi “ba chung”, việc tính toán ảo năm nay phức tạp hơn nhiều. 

Cụ thể, trước đây, thí sinh khi đã đăng ký thi nguyện vọng một vào trường mình thì có thể chắc chắn em đó học trường mình. Các trường cũng tuyển chủ yếu ở nguyện vọng một, chiếm đến 80%. Tỷ lệ ảo vẫn có nhưng chỉ ở nguyện vọng hai, chiếm số lượng không lớn nên dễ tính. 

“Tuy nhiên năm nay, khi thí sinh được đăng ký cùng lúc hai trường thì tỷ lệ ảo cao ở ngay nguyện vọng một. Mức độ ảo tuỳ vào thương hiệu của trường. Những trường nhóm trên tỷ lệ ảo thấp hơn, nhưng càng trường nhóm dưới, tỷ lệ ảo càng cao, có trường có thể lên đến 80%,” ông Lập phân tích.

Cũng lường trước về tình trạng thí sinh ảo nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những phương thức khác nhau để hỗ trợ các trường. 

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, việc Bộ yêu cầu thí sinh phải ghi rõ cả hai trường mà các em đăng ký xét tuyển nhằm giúp các đại học, học viện có cơ sở lọc ảo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định sau khi có điểm chuẩn, nếu trúng tuyển, trong thời hạn 5 ngày, thí sinh phải nộp giấy chứng nhận điểm thi về trường để khẳng định việc sẽ nhập học.

Nếu quá thời hạn trên, kết quả trúng tuyển của các em có thể bị huỷ. Điều này sẽ giúp trường có thể biết được số lượng thí sinh sẽ học tại trường mình và là căn cứ để quyết định việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục